Đón sóng công nghệ cao: Bắt đầu từ đột phá về nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự báo gần đây cho thấy, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ hồi phục mạnh trong năm 2024 và có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Được đánh giá là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản và giỏi toán học, Việt Nam đang có thế mạnh để “mở khóa” cơ hội, trở thành mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Ảnh: Nhã Chi
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Ảnh: Nhã Chi

Sức hấp dẫn của Việt Nam

Trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) mới đây, ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn NVIDIA - doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất thế giới - không dưới 2 lần nhấn mạnh thông điệp muốn biến Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của NVIDIA với việc sớm thành lập pháp nhân ở Việt Nam.

Theo ông Jensen Huang, Việt Nam có điểm khởi đầu rất tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đó chính là con người. “Việt Nam có nền giáo dục giàu truyền thống, thậm chí tốt nhất trên thế giới với hạ tầng về STEM - nền tảng của khoa học máy tính. Đây là cơ sở để phát triển mạnh mẽ ngành bán dẫn và AI”, CEO NVIDIA đánh giá.

Hơn nữa, trong số các nhà khoa học máy tính trên toàn cầu, có rất nhiều người Việt Nam, họ rất giỏi, rất thông minh. “Khi có một trung tâm thiết kế chip đủ tầm ở Việt Nam, chúng ta có thể thu hút nhiều hơn các nhà nghiên cứu, các kỹ sư, nhà thiết kế trên toàn cầu về quê hương...”, ông Huang nhận định.

Bên lề một tọa đàm vừa diễn ra vào đầu tháng 12, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết, đây là lần thứ 3 ông quay lại Việt Nam trong năm nay. Và lần này, ông dẫn một phái đoàn với nhiều thành viên trong SIA là những DN bán dẫn hàng đầu thế giới của Hoa kỳ như: Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon...

Chủ tịch SIA cho biết, hiện Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn. Một trong những yếu tố tạo nên sức hút chính là nguồn nhân lực. “Việt Nam có rất nhiều tài năng trẻ, cực kỳ chăm chỉ và phần lớn trong số đó là tài năng STEM”, ông John Neuffer nhận xét.

Tháng 5/2023, Tập đoàn Marvell công bố kế hoạch thành lập trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Marvell Việt Nam cho biết, nguồn nhân lực dồi dào và tài năng trong mảng thiết kế vi mạch là 1 trong 3 yếu tố khiến Marvell đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh yếu tố ổn định về chính trị và chi phí đầu tư hợp lý.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 2 - 3 năm gần đây, số lượng sinh viên các ngành STEM tăng khoảng 10%/năm; trong các cuộc thi về toán học, vật lý, hóa học, chúng ta luôn đứng TOP đầu thế giới... Đó là những nhân tố thuận lợi để mở ra cơ hội cho sự phát triển ngành bán dẫn, AI ở Việt Nam.

Chọn nguồn nhân lực làm lợi thế cốt lõi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhà đầu tư lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và AI.

Về vấn đề nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có nhiều nhân sự tài năng đang giữ những vị trí quan trọng tại các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới sẵn sàng trở về quê hương cộng tác, phát triển. Việt Nam đã có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội; các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn, AI như Viettel, Vingroup, VNPT, FPT, CMC, VNG, Momo, VNPay…

“Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với dự kiến ban hành trong đầu năm 2024”, Bộ trưởng thông tin và cho biết, mục tiêu đề ra là đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư cho ngành đến năm 2030, trong đó dự kiến có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Ngày 11/12 vừa qua, dưới sự chứng kiến của đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp, NIC đã phối hợp cùng Công ty CP Giáo dục Quốc tế SUN EDU tổ chức khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ. Khóa đào tạo nhằm giúp các giảng viên nắm vững và ứng dụng kiến thức hiện đại vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu, từ đó, có thể đào tạo những thế hệ tiên phong cho lực lượng lao động trong ngành bán dẫn.

Trước đó, NIC cũng đã ký biên bản hợp tác với một số trường đại học, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, AI như: Đại học bang Arizona, Cadence, Synopsys...

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Quang Đạm nhận định, trong vòng 5 - 10 năm tới, số dự án phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn, AI ở Việt Nam sẽ ngày càng nhiều và Marvell sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực. “Công ty cam kết phát triển nhân lực thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong 3-5 năm tới”, ông Đạm cho biết.

Cùng với sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về hạ tầng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghệ mới này; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao; bảo đảm nguồn cung điện... để đón làn sóng công nghiệp, công nghệ mới đang đến.

Chuyên đề