Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, mặc dù hiện nay đã có Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 68 (có hiệu lực từ 1/10/2019) nhưng rất nhiều công trình, dự án được lập dự toán trong thời gian Nghị định 68 có hiệu lực hiện vẫn đang trong thời gian triển khai thi công. Định mức, đơn giá theo Nghị định 68 rất thấp, không phù hợp với thực tế thi công, nhất là định mức về ca máy.
Quy định hướng dẫn giải quyết vướng mắc theo Nghị định 68 cũng khó khăn, phát sinh nhiều thủ tục, khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, kéo dài. Nghị định này quy định, UBND cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chịu trách nhiệm công bố đầy đủ, đúng định kỳ giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, ban hành đơn giá xây dựng công trình… phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương đều ngại điều tra, khảo sát để xác định đơn giá nên thường “bê” những định mức, đơn giá cũ và “phi thị trường” để áp dụng thanh toán cho nhà thầu. Vì thế, ở nhiều hạng mục, nhà thầu phải cố gắng thi công cho xong, bảo đảm tiến độ công trình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vật liệu xây dựng đầu vào như: cát, sỏi, đất, đá đều khan hiếm, xi măng, sắt thép cũng tăng giá nên nhà thầu gặp nhiều khó khăn, tiến độ thi công chậm lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về cầu đường cho biết, về cơ bản, việc khan hiếm vật liệu xây dựng mới là vấn đề mấu chốt cần phải kịp thời tháo gỡ để không ảnh hưởng tới tiến độ công trình, nhất là những công trình lớn, cần đẩy nhanh tiến độ. Đa số hợp đồng xây dựng hiện nay đều theo đơn giá điều chỉnh, việc tăng giá nguyên vật liệu xây dựng sẽ ít ảnh hưởng đến nhà thầu vì nhà thầu sẽ được thanh toán theo giá cập nhật tăng của thị trường. Còn đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói thì những rủi ro này nhà thầu phải lường trước, xác định và chấp nhận tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Còn theo phân tích của TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, nếu biến động lớn về giá nguyên vật liệu đầu vào khiến nhà thầu lao đao thì cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ để tránh những hệ lụy khó lường về mặt chất lượng công trình, dự án. Bao giờ trong quy định của Nhà nước cũng có những công thức điều chỉnh, xử lý đối với những phát sinh, cần phải vận dụng linh hoạt các quy định này để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Trường hợp cần thiết thì phải ban hành những văn bản, chính sách, quy định mới để kịp thời điều tiết, xử lý, hỗ trợ nhà thầu một cách hợp lý.
Một cán bộ của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, các cấp có thẩm quyền cần hoàn tất thủ tục để sớm đưa vào khai thác mỏ vật liệu theo quy hoạch. Trên thực tế, số lượng mỏ vật liệu xây dựng được quy hoạch khá lớn nhưng việc cấp phép khai thác khó khăn nên mới dẫn đến khan hiếm vật liệu xây dựng, đẩy giá vật liệu đất, đá, cát, sỏi tăng cao.
Về phía các địa phương, cần kịp thời cập nhật và công bố giá nguyên vật liệu, điều này sẽ giảm thiểu việc các tổ chức, cá nhân đầu cơ, “đẩy” giá vật liệu lên cao, nhà thầu thi công cũng được thanh toán chi phí đúng với đơn giá theo thị trường. Các cơ quan chức năng ở địa phương phải có trách nhiệm kịp thời cập nhật và ban hành chỉ số giá đúng với biến động giá trên thị trường, không để lạc hậu về định mức, công bố định kỳ hàng quý theo quy định, trong đó có cả việc khảo sát, cập nhật đơn giá về nhân công, giá ca máy theo thị trường chứ không xa rời thực tế như hiện nay.