Đón cơ hội lớn khi thị trường vốn nâng hạng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam được đánh giá là “thỏi nam châm” khi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khác với con số hàng chục tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hàng năm, vốn đầu tư gián tiếp chảy vào cổ phần, trái phiếu của doanh nghiệp Việt cứ “giậm chân tại chỗ", thậm chí ghi nhận hiện tượng bán ròng.
Dòng vốn quốc tế sẽ ưu tiên chảy vào các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế và có câu chuyện tăng trưởng
Dòng vốn quốc tế sẽ ưu tiên chảy vào các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế và có câu chuyện tăng trưởng

Để thay đổi hiện trạng này đòi hỏi thị trường vốn phải được nâng hạng, đồng thời các doanh nghiệp cần thay đổi chính mình để dòng tiền quốc tế chọn đầu tư và ở lại, tạo giá trị mới cùng doanh nghiệp.

Thị trường Việt Nam nên ở một đẳng cấp khác…

Ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cấp cao lĩnh vực tài chính, Điều phối viên chương trình lĩnh vực tài chính của World Bank tại Việt Nam cho biết, các nước xung quanh như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines đã được tổ chức xếp hạng MSCI và FTSE đưa vào danh sách mới nổi từ lâu, nhưng Việt Nam dù quyết tâm từ gần 10 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đến thứ hạng này. “Với quy mô thị trường tài chính khoảng 140% GDP tính đến cuối năm 2023 (gồm tổng giá trị trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán), cao hơn một số nước trong khu vực, Việt Nam nên ở một đẳng cấp khác”, ông Kusuma khuyến nghị.

Theo ước tính của World Bank, Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp trong ngắn hạn, nếu thị trường vốn được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Từ phía Việt Nam, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, nâng hạng là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường hiệu quả. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, việc này sẽ là “cú hích” gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Việc nâng hạng sẽ tạo tín hiệu rõ ràng cho thấy, Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK, mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế”, ông Dũng nói.

Thực tế từ năm 2018, Việt Nam đã được tổ chức FTSE Russell thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng và đến nay, thị trường Việt Nam vẫn ở danh sách chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi. Sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng mới đây về việc gỡ nhanh các vướng mắc, quyết tâm đạt mục tiêu nâng hạng trước năm 2025, hàng loạt văn bản pháp lý đang được xem xét sửa đổi, nhằm gỡ 3 vướng mắc, đó là tiếp cận thông tin bình đẳng giữa các nhà đầu tư; mức trần sở hữu nước ngoài và yêu cầu về giao dịch ký quỹ trước giao dịch. Với sự vào cuộc của nhà làm chính sách, nhiều ý kiến kỳ vọng, trong kỳ đánh giá của FTSE Russell tháng 9/2024, Việt Nam sẽ đạt đủ tiêu chuẩn nâng hạng. Từ đây, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ được thêm vào bộ chỉ số FTSE Emerging Markets, thu hút sự quan tâm của dòng vốn gián tiếp trên toàn cầu.

Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ SSI, ông Nguyễn Khắc Hải chia sẻ, hiện có khoảng 90 tỷ USD từ các quỹ thụ động đầu tư vào các thị trường mới nổi theo phân loại của FTSE. Nếu được nâng hạng, Việt Nam sẽ thu hút hàng tỷ USD vốn mới từ quốc tế. Tuy nhiên, nâng hạng không chỉ là đổi tên, mà cần thay đổi về chất để thị trường Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, nhận được sự quan tâm thực chất của các tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế.

Lên kế hoạch khả quan, chờ đón cơ hội mới

Với kỳ vọng nâng hạng là câu chuyện rất gần, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao cho năm 2024. Tổng giám đốc SSI Nguyễn Hồng Nam dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông ngày 25/4 tới đây mục tiêu 8.112 tỷ đồng doanh thu cho năm 2024, tăng 11% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.398 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023. Có 2 lý do để SSI xây dựng kế hoạch tích cực. Thứ nhất, về vĩ mô, trong bối cảnh nền kinh tế ổn định như hiện tại, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GDP năm 2024 dự kiến tăng trưởng 6 - 6,5% với động lực chính đến từ đầu tư công và sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu. CPI dự kiến ở mức 3,8%, thấp hơn chỉ tiêu 4 - 4,5% mà Quốc hội đã đề ra. Thứ hai, về thị trường, dòng vốn chảy vào Việt Nam từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài năm nay sẽ khả quan hơn năm trước. SSI tin rằng, khối ngoại sẽ mua ròng trở lại bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước sau gì cũng sẽ hạ dần lãi suất và Việt Nam (kỳ vọng) được FTSE nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong năm 2024 - 2025.

Ông Phan Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng, các giải pháp nâng hạng được triển khai mạnh mẽ trong năm 2024 và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng từ 12-16% so với năm 2023, khiến thanh khoản trên TTCK trở lại mốc 20.000 tỷ đồng/phiên. Dù còn nhiều thách thức khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, bất ổn địa, chính trị có thể kéo dài, nhưng MBS chọn phương châm “tăng trưởng cao, an toàn bền vững” cho năm 2024, với quyết tâm đạt 2.786 tỷ đồng doanh thu, tăng 53% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023.

Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đặt kế hoạch 983 tỷ đồng doanh thu, 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2024. Lãnh đạo Công ty này chia sẻ, năm 2024 là năm bản lề mở ra những cơ hội mới cho TTCK Việt Nam, với nhiều yếu tố tích cực. Đó là, lần đầu tiên sau 2 năm tăng lãi suất liên tiếp, FED đã phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Tại Việt Nam, lãi suất điều hành sẽ bước vào một chu kỳ ổn định kéo dài mới, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kích thích tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ quyết tâm cao trong việc nâng hạng thị trường vốn và đây là tín hiệu tốt cho thị trường cũng như các doanh nghiệp nói chung…

Nếu như các tổ chức tài chính trung gian được hưởng lợi trực tiếp từ câu chuyện nâng hạng thì doanh nghiệp đại chúng cũng có cơ hội không nhỏ để cải thiện giá trị doanh nghiệp hoặc gọi vốn mới từ các nhà đầu tư quốc tế. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, dòng vốn thụ động (đầu tư qua các quỹ) sẽ chọn các doanh nghiệp đáp ứng quy định về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ room ngoại... Một số doanh nghiệp sẽ được nhận sự quan tâm lớn từ dòng vốn này là Vinamilk, Massan, Tổng công ty Khí Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam…

Với dòng vốn đầu tư chủ động, họ sẽ ưu tiên tìm các doanh nghiệp nội minh bạch (công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh), thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (IFRS) và có câu chuyện tăng trưởng. Đây là điểm chính các doanh nghiệp cần phấn đấu, hoàn thiện để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi lớn, khi thị trường vốn Việt Nam nâng hạng trong tương lai gần.

Chuyên đề