Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên |
Điểm sáng xuất khẩu
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với kết quả này, ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước; thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 7 tỷ USD.
“Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021”, ông Hải đánh giá và nhấn mạnh, đạt kết quả này có sự góp phần đáng kể trong hoạt động đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại (XTTM).
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM vui mừng cho biết, năm nay, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ vẫn tăng trưởng 8 - 10% (trên 12 tỷ USD). “Dù dịch bệnh, song hoạt động XTTM vẫn diễn ra bình thường trên nền tảng trực tuyến thay vì trực tiếp như trước đây. Các doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm hơn đến phát triển bền vững. Và đây là tín hiệu tốt, là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2021 cũng như cả giai đoạn 2020 - 2025”, ông Phương chia sẻ.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động XTTM vẫn còn không ít hạn chế như: chưa có nhiều hình thức xúc tiến hiện đại và đổi mới; quy mô các hoạt động xúc tiến còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hoạt động XTTM chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành.
Linh hoạt trong xúc tiến thương mại
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, cách thức XTTM phải có sự đổi mới theo hướng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, huy động và lồng ghép các nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá năng lực sản xuất, thế mạnh của sản phẩm Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hoạt động XTTM giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, 11 ngành hàng có tiềm năng phát triển xuất khẩu sẽ được tập trung các hoạt động XTTM, trong đó có nhóm mặt hàng chủ lực là nông sản thực phẩm (thủy sản, trái cây, chè, cà phê); nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ); nhóm ngành phần mềm…
Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nhằm tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hướng đến xuất khẩu bền vững, Hiệp hội sẽ triển khai nhiều hoạt động XTTM nhằm thích ứng với tình hình mới như: chương trình quảng bá cá tra online tại thị trường EU giai đoạn 2020 - 2023; truyền thông hoạt động của ngành trên các nền tảng xã hội…
Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ, ngành gỗ đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp Việt Nam chiếm 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, 30% doanh nghiệp Việt làm được những mặt hàng có giá trị gia tăng cao… “Để đạt mục tiêu này, chúng tôi xây dựng kế hoạch XTTM cho ngành tập trung vào việc gắn triển khai kế hoạch với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu; lựa chọn nhóm doanh nghiệp có nội lực mạnh, năng lực cạnh tranh tham gia các hình mẫu…”, ông Phương thông tin.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế nhấn mạnh, hiện cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường EVFTA, CTPP cũng như các FTA khác đối với doanh nghiệp Việt là rất lớn. Tuy vậy, đây đều là những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe với hàng hóa. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu bền vững thì hoạt động XTTM phải triển khai theo từng ngành cụ thể, từ đó có những chiến lược bài bản, kỹ lưỡng.