Doanh nghiệp xuất khẩu cần hỗ trợ để trụ vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức tranh hoạt động xuất khẩu vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, động lực tăng trưởng này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các dự báo cho thấy, khó khăn sẽ còn tiếp diễn ít nhất tới quý II năm nay. Với bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện nhanh và mạnh hơn nữa.
Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Xuất khẩu suy giảm

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép tấm cuộn cán nóng quý I đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Hòa Phát không đề cập cụ thể về sản lượng XK, song theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, sản lượng XK quý I/2023 của Tập đoàn giảm rất mạnh.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn do sức cầu yếu, từ cuối năm 2022, một số DN sản xuất thép phải tạm dừng hoạt động lò cao. Trong đó, Hòa Phát phải dừng tới 4 lò cao và đến thời điểm này mới chỉ có 1 lò cao được khởi động lại. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn cho biết, từ nay đến hết quý II/2023, Hòa Phát sẽ điều tiết hoạt động của các lò cao phù hợp với tín hiệu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Không riêng Hòa Phát và ngành thép, hầu hết doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp rất nhiều khó khăn trong XK. Theo số liệu về tình hình XK quý I/2023 vừa được Bộ Công Thương công bố, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch XK giảm mạnh như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 22,9%...

Trong quý I/2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực DN trong nước giảm 17,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10%.

Kim ngạch XK sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc… trong quý I/2023 cũng sụt giảm.

Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Tiên Giang

Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Tiên Giang

Chủ động mở rộng thị trường

Bộ Công Thương cho biết, hoạt động XK có nhiều khó khăn do sức cầu hàng hóa của thị trường rất yếu, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và XK của các nước, trong đó có Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng đang có sự chuyển dịch theo hướng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững với những tiêu chuẩn, quy chuẩn cao hơn… Ở trong nước, sức mua dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng; DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao…

Theo TS. Võ Trí Thành, khó khăn với XK là điều đã được lường trước từ cuối năm 2022. Vì thế, XK quý I suy giảm không phải là quá bất ngờ. Với những diễn biến khó lường của thị trường, ông Thành nhận định, hoạt động XK của DN sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức, ít nhất là tới hết quý II/2023. “Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là cần thực hiện nhanh những giải pháp để hỗ trợ DN bớt khó”, ông Thành nói.

Bộ Công Thương cho biết đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ thị trường cho DN với việc phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn; tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường XK…

Gợi ý về giải pháp hỗ trợ DN XK, ông Thành cho rằng, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt tất cả những giải pháp hỗ trợ DN đã và đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể là hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước song song với tiếp tục phát triển thị trường ngoài nước; nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất…

Một số chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cũng như DN phải chủ động tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới để mở rộng XK. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới chuyển hướng sang tiêu dùng xanh, DN Việt Nam cần có sự chuyển đổi phù hợp để thích ứng.

Bộ Công Thương cho biết đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ thị trường cho DN với việc phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn; tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường XK… Việt Nam đang nỗ lực khai mở thị trường tiềm năng Trung Đông, Tây Á. Theo thông tin của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương, trong khuôn khổ chuyến công tác làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào ngày 5/4/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề cập tới việc khởi động đàm phán FTA giữa hai nước. Nếu được ký kết, UAE sẽ trở thành địa bàn trung chuyển quan trọng để Việt Nam tăng cường kết nối giao thương. Trước đó, Việt Nam và Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA giữa 2 nước sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, mở ra cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiến quân vào thị trường khu vực Tây Nam Á.

Chuyên đề