Doanh nghiệp xây lắp chật vật vì giá vật liệu chưa “hạ nhiệt”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thời gian tăng nóng, giá xăng dầu cũng như giá thép gần đây liên tục giảm. Để bình ổn giá cả hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó có giá vật liệu xây dựng khi giá xăng dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng, giá vật liệu hiện vẫn cao chót vót, bào mòn lợi nhuận của DN.
Từ đầu năm đến nay, giá xi măng tăng 3 - 4 lần và chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: Song Lê
Từ đầu năm đến nay, giá xi măng tăng 3 - 4 lần và chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: Song Lê

Giá xăng dầu giảm, giá vật liệu vẫn “nóng”

Mặc dù giá xăng dầu gần đây giảm 4 lần liên tiếp, nhưng theo ông Cung Đình Lân, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Châu Việt, trừ giá thép, giá cả vật liệu xây dựng tại TP.HCM vẫn rất cao, gây khó khăn cho nhà thầu xây dựng.

Theo ông Lân, từ đầu năm đến nay, do các loại chi phí đầu vào (xăng dầu, than…) cho sản xuất xi măng tăng cao nên các DN xi măng tăng giá bán 3 - 4 lần. Cách đây vài ngày, Công ty CP Xi măng FICO đã có thông báo điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn.

Một nhà cung cấp xi măng tại TP.HCM cho biết: “Giá xăng dầu giảm, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo của các nhà sản xuất xi măng về việc giảm giá bán. Hiện các sản phẩm xi măng vẫn giữ nguyên mức giá bán đã tăng hồi tháng 6/2022”.

Cùng với giá xi măng liên tiếp tăng cao, giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng khác chưa có dấu hiệu giảm.

“Đá xây dựng sử dụng trộn bê tông hiện vẫn ở mức giá cao hơn 30% so với tháng 1/2021. Tương tự, giá gạch (nung và không nung) cũng tăng 20 - 30%…”, ông Lân thông tin thêm.

Ngoài áp lực lớn từ giá vật liệu xây dựng, nhiều nhà thầu tại khu vực miền Trung và miền Bắc, đang điêu đứng với giá nhân công tăng cao. Theo một nhà thầu xây lắp ngành điện, hiện giá nhân công ngành điện tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với trước dịch Covid-19.

Với các “ông lớn” ngành xây dựng, gam màu xám đang bao trùm bức tranh tài chính quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2022.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa có báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần tăng 28% so với cùng kỳ năm trước lên 4.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm nghiêm trọng từ 6,1% quý II/2021 về dưới 3,3%. Bên cạnh sự suy giảm hiệu quả mảng kinh doanh chính, Hòa Bình còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt, chi phí quản lý tăng so với cùng kỳ 2021.

Văn bản giải trình về chênh lệch lợi nhuận báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty CP FECON cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN của Công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của FECON giảm lần lượt là 80,11% và 97,57% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm trầm trọng là do chi phí đầu vào tăng đột biến. “Bão giá” chi phí nguyên, nhiên liệu, nhân công tăng cao trong khi các dự án của Công ty đã ký kết từ năm 2021 và đầu năm 2022 thực hiện theo đơn giá cố định dẫn đến giá vốn tăng cao so với kế hoạch.

Thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường

Để ổn định giá cả vật liệu xây dựng, tại Công điện số 679/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo cân bằng cung cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, góp phần hỗ trợ DN xây dựng.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý hiệu quả nguồn cung; xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các sở xây dựng đẩy mạnh theo dõi, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu rút ngắn chu kỳ công bố theo quy định.

Hiện nhiều địa phương đã có động thái nhằm ổn định giá cả vật liệu xây dựng. Điển hình như UBND tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản gửi các đơn vị quản lý nhà nước cũng như DN trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm quản lý giá, bình ổn giá vật liệu xây dựng. UBND tỉnh Bắc Kạn cũng ban hành quy định mới về quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn…

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, nhiều giải pháp quản lý giá, bình ổn giá vật liệu xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo quyết liệt nhằm góp phần hỗ trợ DN, trong đó có DN xây dựng, vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi mạnh mẽ.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, DN xây dựng cần chủ động cập nhật thường xuyên tình hình nguyên vật liệu, đưa ra các dự báo về diễn biến thị trường, từ đó có kế hoạch mua hàng một cách hiệu quả để giảm thiểu rủi ro do trượt giá…

Chuyên đề