Doanh nghiệp phấn chấn trước việc NHNN ngưng thi hành một số nội dung của Thông tư 06

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này được cộng đồng doanh nghiệp và khách hàng đón nhận một cách phấn khởi.
Việc tăng cơ hội tiếp cận tín dụng khiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng rất phấn khởi. Ảnh Bảo Tín
Việc tăng cơ hội tiếp cận tín dụng khiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng rất phấn khởi. Ảnh Bảo Tín

Đây là tin mừng rất lớn

Chiều ngày 23/8/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN. Cụ thể, Điều 1 quy định: Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đây là tin mừng rất lớn, rất phấn khởi đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng thuộc các lĩnh vực trên toàn bộ nền kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng được thuận lợi hơn và đồng thời cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn để góp phần vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế, tạo việc làm và ổn định an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Chuyên gia kinh tế - bất động sản cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rơi vào hoàn cảnh “ảm đạm” và khát vốn để tiếp tục đầu tư, triển khai dự án như hiện nay, việc ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 nói trên là một thông tin rất tích cực đối với doanh nghiệp và khách hàng có nhu cầu vay vốn nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nói riêng.

Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty CP DRH Holdings Ngô Đức Sơn cho hay, việc ngưng thi hành các quy định hạn chế cho vay chắc chắn sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho những doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu vay vốn. Lâu nay nguồn vốn luôn là mối bận tâm lớn của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lúc thị trường bất động sản khó khăn. Với thông tin tích cực này, hy vọng những tháng tới thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại.

Trong báo cáo đánh giá nhanh liên quan đến vấn đề này, Công ty Chứng khoán ACBS chia sẻ, thông tư mới ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng cho vay lĩnh vực bất động sản (vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây). Song, cũng cần lưu ý, mỗi ngân hàng sẽ có những rủi ro riêng và vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao.

Tìm ra “điểm cân bằng” phù hợp

Liên quan đến việc HoREA có văn bản kiến nghị gửi đến Chính phủ và NHNN đề xuất "xóa bỏ" Điểm a Khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu nhận xét, điều này là phù hợp trong điều kiện thanh khoản của nền kinh tế bị siết chặt như hiện nay và đang manh nha "mầm mống" của giảm phát.

"Nếu xét theo Khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và tổ chức tín dụng có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho "mục đích sử dụng vốn hợp pháp" này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng", ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, trái phiếu của các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản được phát hành số lượng rất lớn trong nhiều năm trở lại đây. Chính điều này đã dẫn đến sự quan ngại nhất định của NHNN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bình luận, không phải vì "quan ngại" khó kiểm soát mà cấm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp để tái cấu trúc nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Lưu ý rằng, đầu tư kinh doanh bất động sản là ngành nghề đặc thù mang tính chất dài hạn. Nếu doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng thì khả năng cao sẽ đẩy các doanh nghiệp này đến bờ vực phá sản, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế quốc gia và trực tiếp vào hơn 40 ngành nghề liên quan mật thiết đến ngành kinh doanh bất động sản.

Một điểm cần lưu ý nữa, theo ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp cũng là một hình thức cấp tín dụng dành cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Thông tư là văn bản dưới Luật. Vì vậy, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN không thể "phủ quyết" Khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Thiết nghĩ, NHNN nên cởi mở hơn và cầu thị hơn thay vì kiểm soát quá "cứng nhắc" đến hoạt động cho vay như hiện nay khi mà tỷ lệ lạm phát luôn được duy trì ở mức độ ổn định dưới 4%/năm.

Quan điểm của NHNN là sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp và phản biện để tìm ra "điểm cân bằng" phù hợp. Ông Trần Ngọc Thơ, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM lý giải: "Tinh thần Thông tư 06 rất tốt. Nó chỉ gặp vấn đề ở cách tiếp cận. Không cấm đoán, nhưng vẫn tiệm cận chuẩn mực quốc tế để đạt được mục tiêu chính sách, đó không phải điều Thông tư 06 còn thiếu, mà còn thể hiện ở nhiều quy định khác, như việc NHNN đặt room tín dụng cho các nhà băng quá lâu mà không thay đổi".

Chuyên đề