Doanh nghiệp mở rộng hoạt động, văn phòng cho thuê "nóng" trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu mở rộng hoạt động hay mở văn phòng mới tại Việt Nam. Nhờ vậy, thị trường cho thuê văn phòng ở TP.HCM và Hà Nội ngày càng được "hâm nóng" trở lại.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Từ đầu năm đến nay, theo khảo sát của các công ty bất động sản, thị trường văn phòng TP.HCM ghi nhận xu hướng phục hồi tốt. Tổng tổng diện tích cho thuê được cải thiện rõ rệt trong quý I và tiếp tục có xu hướng tăng trong quý II.

Theo số liệu từ CBRE, quý I/2022, tỷ lệ trống trung bình của văn phòng hạng A và hạng B tại TP.HCM giảm khoảng 1 điểm phần trăm theo quý, 2 điểm phần trăm theo năm, lần lượt đạt 11,6% và 7,9%. Dù số liệu quý II chưa được công bố chính thức, song thị trường văn phòng TP.HCM được dự báo khả quan hơn quý I rất nhiều.

Về mục đích thuê, giao dịch chuyển địa điểm vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể với 55% tổng số lượng giao dịch; còn lại là các giao dịch về gia hạn và mở rộng, lần lượt chiếm 25% và 20%. Đã có các giao dịch diện tích cho thuê lớn trên 1.000 m2 tại một số tòa nhà hạng B chất lượng cao ở cả khu vực trung tâm và các khu vực khác như Thủ Thiêm, Quận 7 và Quận 10.

Tương tự ở Hà Nội, theo Savills, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các toà nhà cho thuê văn phòng tại quận Hoàn Kiếm luôn đạt trên 90%.

Sở hữu nhiều lợi thế, các tòa nhà văn phòng nằm tại khu vực trung tâm thủ đô luôn là những lựa chọn được các doanh nghiệp tìm kiếm đầu tiên. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn cung, nên các giao dịch văn phòng trong 5 năm vừa qua vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy.

Hiện tại, khu vực trung tâm thành phố có 238.800 m2 sàn văn phòng hạng A và hạng B. Trong tương lai gần, hai dự án mới sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường bao gồm Toà nhà Techcombank - số 6 Quang Trung (năm 2022) và Toà nhà Gelex 10 Trần Nguyên Hãn (năm 2024).

Theo CBRE, những khách thuê tích cực trong việc mở rộng trong 2 quý qua tại TP.HCM chủ yếu thuộc các ngành phát triển mạnh sau đại dịch như công nghệ thông tin (CNTT) và logistics. Hai ngành này chiếm gần 60% tổng số diện tích được giao dịch.

CBRE kỳ vọng, CNTT, thương mại điện tử và logistics vẫn là những ngành được đầu tư và phát triển mạnh, nhận được lượng lớn vốn đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục dẫn dắt nguồn cầu của thị trường văn phòng trong hai năm tới.

Riêng ở Hà Nội, hiện nay, thị trường văn phòng cho thuê tại thủ đô ngày càng được đa dạng hoá, đem đến cho các doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn.

Trong đó, văn phòng tại khu vực trung tâm sẽ phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô từ 50 - 100 nhân viên. Điều này là do khu vực trung tâm sẽ bị hạn chế về chiều cao xây dựng và diện tích đất hẹp, khiến cho mặt bằng thuê trên một sàn thường dao động không quá 1.000 m2 một tầng.

Trong khi đó, khu vực nội đô và phía Tây sở hữu diện tích mặt sàn lên tới 3.000 m2 một tầng, thích hợp với công ty có nhu cầu diện tích thuê lớn.

Tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu diện tích sử dụng, các doanh nghiệp sẽ đều tìm được mặt bằng văn phòng cho thuê phù hợp.

Theo thống kê, trong những tháng đầu của năm 2022, nhu cầu mở rộng tại thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài tăng cao đáng kể. Cùng với những chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp quốc tế đang lựa chọn TP.HCM và Hà Nội là nơi đặt chân để xây dựng “đế chế” của mình.

Điều này là động lực quan trọng để thị trường văn phòng ngày càng trở nên sôi nổi, đặc biệt là nhờ sự gia nhập của các dự án được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Matthew Powell, một chuyên gia tại Savills cho biết, chất lượng xây dựng của các tòa nhà văn phòng ngày càng được nâng cấp và phát triển, với không gian làm việc được thiết kế hiện đại, sang trọng mà xưa chỉ có tại văn phòng ở các quốc gia nước ngoài như Anh, Singapore và Thái Lan. Nhờ đảm bảo về chất lượng, cũng như các yếu tố của văn phòng xanh, người lao động luôn được làm việc trong một môi trường thoải mái.

Chuyên đề