89,2% doanh nghiệp được khảo sát thuộc FAST500 cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong năm nay. Ảnh: Hai Lê |
Qua khảo sát, có 83,3% DN đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 tại thị trường trong nước. Do đó, khi được hỏi về kế hoạch dự kiến, 89,2% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và 10,8% DN sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.
Theo các DN FAST500, bên cạnh những khó khăn có thể phải đối mặt, vẫn có những cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng trong năm 2022. Có 86,5% DN FAST500 cho rằng, xu hướng sống chung với đại dịch đưa nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”. Điều này đồng nghĩa với nền kinh tế được mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ dần được khôi phục như thời điểm trước đại dịch. Cùng với đó, 86,5% số DN khẳng định họ nắm giữ đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao. 67,6% số DN tự tin với lợi thế cạnh tranh của mình khi có mối quan hệ tốt với đối tác, khách hàng và có sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh. 62,2% số DN cho biết, xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và toàn diện; tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng để nắm bắt được xu hướng thị trường cũng được coi là hai cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng của DN trong năm nay.
Bên cạnh đó, những số liệu tích cực về việc DN gia nhập và quay trở lại thị trường cũng phần nào cho thấy niềm tin về triển vọng kinh tế năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng số DN đăng ký thành lập mới và số DN quay trở lại hoạt động vẫn cao hơn mức bình quân chung của tháng 2 trong giai đoạn 2017 - 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, số DN thành lập mới tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 102,5%. Số DN quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 170,6%; kinh doanh bất động sản tăng 132,6%; giáo dục và đào tạo tăng 132,1%...
Chia sẻ mới đây với giới truyền thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh cho hay, các nhà đầu tư FDI vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội. Một số nhà đã tư lớn đã tìm hiểu, thăm dò về thị trường Việt Nam từ trước nhưng vẫn ra quyết định đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp. Nhiều DN có nhu cầu sang thực địa để đi đến quyết định đầu tư. Các DN này đang rất mong chờ vào việc đơn giản thủ tục đón khách từ các đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, một điểm đáng lưu ý từ kết quả khảo sát FAST500 là tỷ lệ DN đánh giá về các yếu tố liên quan tới môi trường đầu tư, kinh doanh đóng góp cho tăng trưởng là rất thấp. Điều này cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã bị chững lại và ít được quan tâm hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân là các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng nhiều hơn tới phòng chống dịch và thực hiện các gói chính sách hỗ trợ DN.
Bởi vậy, cộng đồng DN FAST500 mong muốn Chính phủ ưu tiên cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa về thủ tục hành chính, qua đó cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Ngoài ra, cần phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để bảo đảm hiệu quả của những chương trình nằm trong gói hỗ trợ mà không tạo ra những tác dụng phụ như lạm phát, bong bóng tài sản… ngoài mong muốn. Đồng thời lồng ghép và gắn kết chặt chẽ giữa phục hồi kinh tế với phòng chống dịch; chú trọng chuyển đổi số, tăng trưởng xanh cũng như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế…
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây không chỉ là những mong mỏi của cộng đồng FAST500 mà còn là kỳ vọng của cộng đồng DN Việt Nam. Ông Cung nhấn mạnh, để hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tại thời điểm này, việc tiếp tục thực hiện cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi thông thường, sau đại dịch hay sau khủng hoảng, DN cần một môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn… để phục hồi, phát triển.