Doanh nghiệp gỗ nói gì trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế phòng vệ thương mại?

0:00 / 0:00
0:00
Theo doanh nghiệp gỗ, DOC chưa có kết luận chính thức việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Doanh nghiệp gỗ nói gì trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế phòng vệ thương mại?

Ngày 22/8, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Viêt Nam (VIFOREST) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ về kết quả điều tra gỗ dán được làm từ gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ bị khởi kiện có xuất xứ Trung Quốc (được sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm ở Trung Quốc, hoàn thiện ở Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ để né tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp).

Theo VIFOREST, DOC đã sơ bộ kết luận có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty "không phản hồi" và 14 công ty "không hợp tác". Theo dự kiến, giữa tháng 10/2022, DOC sẽ ban hành phán xét cuối cùng về việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với gỗ dán làm từ nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu phán xét bất lợi cho doanh nghiệp Việt được thông qua, nhiều doanh nghiệp sẽ mất thị trường tiêu thụ sản phẩm do bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.

Liên quan đến thông tin này, phóng viên Báo Công Thương đã có trao đổi nhanh với ông Điền Quang Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco). Ông Hiệp cho biết, mục đích chính của phía Mỹ khi điều tra để cảnh báo doanh nghiệp gỗ Việt Nam ít dùng nguyên liệu từ Trung Quốc, do hai nước này đang chiến tranh thương mại; mà trong khi đó phía Mỹ lại đang nhập khẩu gỗ nhiều từ Việt Nam.

Theo ông Hiệp, phía DOC, cảnh bảo hầu như toàn bộ doanh nghiệp gỗ xuất khẩu sang Mỹ, và tập trung vào những doanh nghiệp có số lượng xuất lớn. Và trong số những doanh nghiệp bị cảnh báo thì có 40 doanh nghiệp lớn với lượng xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ như: Công ty cổ phần Cẩm Hà, Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An, Saigon River Factory, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), Công ty TNHH Giang Minh… đang tiến hành làm báo cáo giải trình gửi DOC.

"Gần 40 doanh nghiệp này đang tiên phong để giải trình với phía Mỹ theo một form chuẩn - vì đơn giản họ xuất qua Mỹ là chính nên muốn làm bài bản để không ảnh hưởng sau này. Nhưng do phía Mỹ chưa có nêu một tiêu chuẩn cụ thể là mỗi sản phẩm có bao nhiêu tỷ lệ được sử dụng của Trung Quốc. Vì thế việc làm một cái form đúng chuẩn mà phía Mỹ yêu cầu sẽ mất thời gian, và phải làm tới làm lui nhiều lần bởi mỗi doanh nghiệp sẽ có một khó khăn riêng”- ông Điền Quang Hiệp nói.

Cũng theo ông Hiệp, hiện Mifaco và các doanh nghiệp khác đã đề nghị VIFOREST làm việc lại với Bộ thương mại Hoa Kỳ để giãn thời gian gửi báo cáo. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, đây là một nguy cơ hiện hữu và Việt Nam nên làm đúng bài bản để không bị ảnh hưởng khi xuất khẩu.

Liên quan đến thông tin một số báo chí đưa về việc "hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt". Trong ngày 22/8, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi thông báo tới VIFOREST.

Ngoài ra, qua trao đổi với doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại được biết, có một số doanh nghiệp trong danh sách 40 doanh nghiệp bị từ chối không sản xuất sản phẩm bị điều tra là tủ gỗ. Các doanh nghiệp này gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ để đính chính thông tin là họ không sản xuất sản phẩm có liên quan.

Hiện, Cục Phòng vệ thương mại đang trao đổi với DOC để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời đã hướng dẫn các doanh nghiệp làm đúng yêu cầu của DOC.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ của Việt Nam qua Mỹ đạt 5,84 tỉ USD, giảm nhẹ 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do phía Mỹ đang lạm phát và do DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Chuyên đề