Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhận định về triển vọng năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ tiếp tục phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, doanh nghiệp (DN) sẽ có cơ hội phát triển kinh doanh nhưng đi kèm với đó là những thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguy cơ lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng…
Chi phí logistics tăng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí logistics tăng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Thị trường phục hồi nhưng bấp bênh

Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến hoạt động phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Quá trình phục hồi có thể sẽ không suôn sẻ, có giai đoạn phục hồi mạnh song cũng có giai đoạn bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng được dự báo có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu và Việt Nam. Thực tế cho thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài suốt 2 năm qua, chi phí logistics đã tăng vọt. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu container rỗng đã khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như gặp khó khăn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định, năm 2022, chi phí vận chuyển, trong đó có chi phí vận chuyển container lạnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chưa hết, dự báo lạm phát toàn cầu năm tới có thể sẽ tăng, tác động không tốt tới sức cầu của các thị trường trọng điểm.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngoài khó khăn do tác động dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. “Nếu DN không thay đổi để thích ứng thì có thể bị đào thải”, ông Hiếu cảnh báo.

Nhìn từ góc độ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, ông Hiếu cho rằng, đây vừa là cơ hội song cũng đặt ra yêu cầu DN phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh. Lý do là khi môi trường kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn, sẽ có nhiều DN mới ra đời, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Những DN chậm đổi mới, ít sáng tạo và năng lực cạnh tranh hạn chế sẽ bị đào thải.

Hơn nữa, việc đẩy mạnh thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới một mặt mở ra cơ hội về thị trường rộng lớn, song cũng tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam ngay chính trên “sân nhà”. Thời gian qua, thống kê số lượng DN gia nhập và rút lui khỏi thị trường phần nào thể hiện bức tranh cạnh tranh gay gắt giữa các DN.

Bên cạnh đó là nguy cơ biến động giá cả nguyên liệu đầu vào, tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao; rào cản trong việc áp dụng công nghệ số do chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao…

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Để sẵn sàng vượt qua những thách thức trong thời gian tới, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, DN cần phải chủ động, quyết liệt tăng sức cạnh tranh, đặc biệt là phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, nâng cao hiệu quả quản trị DN, giữ chữ tín trong kinh doanh. Cùng với đó, DN cần thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động bất lợi, hướng tới mô hình kinh doanh bền vững để vượt qua thách thức, biến cơ hội thành thành công.

Về thách thức chi phí logistics tăng cao, đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics khuyến nghị, các DN cần có kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh từ đầu tới cuối để giao hàng đúng thời hạn theo hợp đồng ký kết; cần có kế hoạch dự phòng nhà cung cấp dịch vụ logistics… nhằm tránh tác động bất lợi dẫn đến tăng chi phí.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, trong đại dịch vừa qua, một nguyên nhân chủ yếu giúp Vinatex thu được kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh chính là niềm tin của toàn tổ chức, niềm tin giữa người lao động và nhà quản lý, niềm tin của khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan hữu quan. Vì thế, trong năm mới với nhiều thách thức được dự báo, ông Trường cho rằng, việc xây dựng sức mạnh niềm tin sẽ tiếp tục là “chìa khóa” để Vinatex phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để các DN có thể phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, các gói giải pháp hỗ trợ DN trong bối cảnh Covid-19 cần được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất hợp lý cũng như được hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo. Đây là những yếu tố doanh nghiệp rất cần để thích ứng với bối cảnh có nhiều bất định.

Chuyên đề