Doanh nghiệp đối mặt 5 nhóm khó khăn, thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), hiện có 5 nhóm khó khăn, thách thức chủ yếu cộng đồng này đang phải đối mặt.
Chi phí logistics cao vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp (Ảnh minh họa: internet)
Chi phí logistics cao vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp (Ảnh minh họa: internet)

Trước hết là các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Theo các DN, hiện khó khăn về pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản kéo dài nhiều năm nhưng chưa được quan tâm giải quyết triệt để. Một số quy định tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn tạo thêm thủ tục mới, rào cản mới đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN.

Hai là khó khăn do giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí của DN.

Cụ thể, việc giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu tăng cao đồng thời cũng làm tăng chi phí vận chuyển, logistics nội địa, tạo áp lực tăng giá và lạm phát trong nước. Trong khi đó, giá đầu ra chưa tăng hoặc tăng cầm chừng do cần kích cầu, thu hút khách hàng sau khi mở cửa nền kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận của DN, dẫn đến thiệt hại tài chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN.

Đối với DN xây dựng, giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành gói thầu tăng từ 18 - 30% theo từng thời điểm, dẫn đến tình trạng “càng làm càng lỗ”. Trong khi đó, các DN xuất nhập khẩu như: da giày, dệt may, thủy sản... lại chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao 3 - 5 lần, tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào...

Qua khảo sát nhanh các DN, mặc dù có sự gia tăng về doanh thu nhưng điểm đáng quan ngại là mức độ tăng về các chi phí của DN, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vốn trong quý II/2022 so với quý liền trước và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so với mức độ tăng về doanh thu trong quý II/2022.

“Thách thức về sự gia tăng hàng loạt các chi phí là điều mà DN vẫn tiếp tục quan ngại trong quý III/2022, khi chỉ số chi phí của DN vẫn neo ở mức cao”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Ba là tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số ngành nghề, lĩnh vực; chi phí liên quan đến người lao động tăng.

Thời gian qua, việc thiếu hụt, khan hiếm lao động xảy ra ở một số ngành nghề, lĩnh vực do sau dịch Covid-19, người lao động có xu hướng không quay trở lại các đô thị, vùng kinh tế lớn, trọng điểm, thay vào đó tìm kiếm công việc ở các ngành nghề ít phải xa quê. Điều này dẫn đến sự mất cân đối cung - cầu thị trường lao động, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 khoảng 6% so với trước cũng phần nào gây khó khăn cho quá trình phục hồi của DN, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như: xây dựng, dệt may, da giày - túi xách, thủy sản, công nghiệp… Theo phản ánh của các DN, việc tăng lương có thể tạo áp lực cho DN do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương, trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết.

Bốn là tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn chưa hết khó.

Kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát của VCCI cho thấy, có tới 47% DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, 4% DN phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác. Đại diện các hiệp hội DN cũng phản ánh việc tiếp cận chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay trên thực tế là rất khó khăn với thủ tục và điều kiện khắt khe, phức tạp, có thể xảy ra tình trạng DN chưa thực hiện xong thủ tục vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực.

Khó khăn lớn thứ năm là cung và cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng.

Theo các DN, ở trong nước, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên rủi ro bùng phát dịch bệnh vẫn luôn thường trực khi các biến chủng mới đã bắt đầu xâm nhập vào nước ta và hiệu lực của vaccine đã tiêm giảm dần theo thời gian. Rủi ro của dịch Covid-19 khiến một số DN có tâm lý sản xuất cầm chừng, ngần ngại mở rộng quy mô sản xuất, chưa phục hồi quy mô như trước dịch. Trong khi đó, nhiều đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Các dự báo cũng cho thấy, trong thời gian tới, DN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác như: sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thế giới ngắn hạn đang gia tăng; lạm phát tăng cao, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài… có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển của DN Việt Nam.

Chuyên đề