Doanh nghiệp chưa mặn mà với kinh tế tuần hoàn, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được Đảng và Nhà nước quan tâm ban hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn rất ít doanh nghiệp (DN) áp dụng mô hình KTTH do gặp khó khăn về hành lang pháp lý, thị trường, chi phí cao…
Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Tiến Tân
Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Tiến Tân

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chỉ có khoảng 3 - 6% DN được hỏi cho biết đã đổi mới mô hình kinh doanh hoặc áp dụng một trong những nội dung của mô hình KTTH ở mức đầy đủ.

Một trong những rào cản ở mức độ lớn và rất lớn đối với phát triển KTTH là “các hạn chế về trình độ công nghệ hiện tại” (chiếm tới 98%). Tiếp đó là rào cản về việc “thiếu sự thích nghi và phù hợp của các chính sách với bối cảnh địa phương” (70%); “thiếu các cam kết về pháp luật cả ở bình diện quốc tế và trong nước và thiếu cam kết trong tham gia các khuôn khổ hỗ trợ cho DN” (55%)…

Tại Hội thảo Chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN phát triển KTTH diễn ra ngày 7/9, nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về KTTH của phần lớn DN còn hạn chế. Mặc dù các quy định về KTTH đã có, nhưng chưa được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động. Các hoạt động hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo, tư vấn, thị trường cho DN gần như chưa được thực hiện, hoặc ở mức rất thấp, không đủ sức hấp dẫn.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, tỷ lệ DN được nhận một trong các hình thức hỗ trợ như tín dụng, lãi suất, khoa học công nghệ, đào tạo, thị trường, mặt bằng sản xuất… để áp dụng KTTH chỉ chiếm từ 2% - 15%. Trong đó, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh cho dây chuyền áp dụng quy trình KTTH chỉ chiếm 2%.

Một trong những trở ngại đối với việc áp dụng mô hình KTTH, theo chia sẻ của đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), là chi phí đầu tư cao, trong khi người dùng chưa thực sự sẵn sàng chi trả cho chi phí phát sinh.

Muốn phát triển KTTH, theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, không thể chỉ dựa vào DN, mà còn phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng, nhận thức về KTTH; khung pháp luật và chính sách phù hợp; liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp tái tạo phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực…

Với Tân Hiệp Phát, để đạt mục tiêu giảm hơn 112.000 tấn chất thải nhựa vào năm 2027, bà Phương cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức mang tầm quốc gia cho người dân về phân loại rác tại nguồn; mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới DN nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về KTTH. Sớm hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn thực thi KTTH, trong đó cần có thước đo cụ thể về việc thực thi để xác định cơ sở hưởng ưu đãi cho các DN áp dụng KTTH. Đồng thời, cần quy hoạch một khu vực riêng trong khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế.

Đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng KTTH đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Để giảm thiểu chi phí, vận hành hiệu quả mô hình KTTH, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý truyền thông và đối ngoại cao cấp của Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng, cần tăng cường hợp tác đa bên. Một khi DN đã có sự đầu tư thì Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác đồng bộ.

Theo khuyến nghị của ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc thành lập khu công nghiệp dệt may lớn là rất cần thiết để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất… Việc xử lý nước thải tập trung sẽ dễ kiểm soát hơn và giảm chi phí, thậm chí có thể tái sử dụng nguồn nước thải đã qua xử lý để phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Nếu như chưa có sự đồng bộ giữa các khâu thì chưa thể hoàn chỉnh quy trình tối ưu để ứng dụng KTTH. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành kịp thời các chính sách phát triển xanh với những quy định cụ thể để DN thực hiện công bằng, nhất quán”, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành khối nghiên cứu phát triển của Vinamilk nhận định.

Theo đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu cụ thể đối với việc phát triển KTTH, từ đó có chính sách hỗ trợ DN ứng dụng mô hình kinh doanh bao trùm và kinh doanh bền vững.

Chuyên đề