Doanh nghiệp chao đảo vì tin giả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, những tin đồn tiêu cực đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán, bất động sản. Từ gây nhiễu loạn, hoang mang, tin giả dẫn đến thiệt hại thật cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tin giả, tin đồn thất thiệt không chỉ ảnh hưởng đến cổ phiếu của doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn mà còn ảnh hưởng đến toàn thị trường và lợi ích của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Dũng Minh
Tin giả, tin đồn thất thiệt không chỉ ảnh hưởng đến cổ phiếu của doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn mà còn ảnh hưởng đến toàn thị trường và lợi ích của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Dũng Minh

Những tin đồn làm chao đảo thị trường

Sự sôi động của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã thu hút sự tham gia của một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mới (thường được gọi là F0). Đi cùng với đó là sự xuất hiện của những hội nhóm mạng xã hội với mục đích tư vấn đầu tư chứng khoán, đặc biệt ở nền tảng Telegram. Khảo sát cho thấy những hội nhóm như “Cổ phiếu hot trend”, “VPS Securities - Cổ phiếu”, “Cổ phiếu dẫn dắt - PW”… có hàng nghìn, chục nghìn thành viên tương tác về diễn biến thị trường chứng khoán, sự trồi sụt của các mã cổ phiếu, phân tích đồ thị giá cổ phiếu, tình hình doanh nghiệp...

Bên cạnh lợi ích là một kênh tham khảo, những hội nhóm nêu trên cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin giả, tin đồn sinh sôi nảy nở, gây nhiễu loạn thị trường.

Sau sự việc lãnh đạo các tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị bắt do liên quan đến việc thao túng thị trường chứng khoán và sai phạm trong phát hành trái phiếu diễn ra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, hàng loạt tin đồn thất thiệt đã xuất hiện trong các hội nhóm kín. Họ chuyển cho nhau hình ảnh một trang giấy A4 không rõ nguồn gốc với nội dung thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của một số doanh nghiệp ngoài nhà nước là các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán như: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC), Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (viết tắt GELEX, mã chứng khoán GEX). Thậm chí, trên các nền tảng video như Youtube còn xuất hiện video với tiêu đề: "Lộ danh sách 12 ông lớn bất động sản bị thanh tra rờ gáy".

Thông tin chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc này đã gây hoang mang cho nhà đầu tư, khiến cổ phiếu các doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn bị ảnh hưởng mạnh.

Đơn cử như giá cổ phiếu GEX đã giảm 17,8% từ mức 40.850 đồng về 34.050 đồng chỉ trong 1 tuần (4 - 8/4). Ngày 12/4, GELEX đã có công văn gửi cổ đông và nhà đầu tư về tin đồn thất thiệt trên nhưng cổ phiếu GEX vẫn tiếp tục giảm mạnh và hiện giao dịch quanh mức 22.000 đồng. Hay như cổ phiếu HSG cũng giảm tới 8,32% trong tuần từ 4 - 8/4. Dù sau đó Hoa Sen đã có công văn làm rõ, nhưng sự xuất hiện của tin đồn khiến nhà đầu tư bán tháo trên toàn thị trường.

Việc công bố thông tin sai lệch, giả mạo ảnh hưởng đến nhà đầu tư đã được đưa vào các hành vi bị nghiêm cấm của Luật Chứng khoán. Trong thời gian qua đã xử phạt hành chính một trường hợp ở TP.HCM và xử lý hình sự một facebooker tại Hà Nội về hành vi này.

Vào đầu năm nay cũng xuất hiện tin đồn cho rằng cơ quan chức năng từ chối việc tăng vốn của một số công ty chứng khoán. Tin đồn thất thiệt này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lượng vốn hoá trên sàn giao dịch.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo

Ngày 15/4, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Đặng Như Quỳnh (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do có hành vi đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội Facebook với hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư. Động thái trên cho thấy cơ quan chức năng kiên quyết mạnh tay với hành vi lan truyền thông tin sai sự thật.

Bên cạnh đó, nhằm ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đưa tin thất thiệt.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra đối với những dấu hiệu bất thường trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, xử lý nghiêm với việc thao túng và đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường. Việc công bố thông tin sai lệch, giả mạo ảnh hưởng đến nhà đầu tư đã được đưa vào các hành vi bị nghiêm cấm của Luật Chứng khoán. Trong thời gian qua đã xử phạt hành chính một trường hợp ở TP.HCM và xử lý hình sự một facebooker tại Hà Nội về hành vi này. Ông Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý những trường hợp tung tin đồn nhảm, hoặc đưa những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư và làm đảo lộn trật tự kinh tế trong lĩnh vực chứng khoán.

Về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT chuyên tư vấn đầu tư và hỗ trợ giải pháp quản lý tài sản, nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ phận IR (Investor Relationship - quan hệ nhà đầu tư) đối với doanh nghiệp niêm yết. Nhiều năm qua, vai trò của bộ phận này vẫn chưa được các công ty nhìn nhận, thái độ ứng xử còn hời hợt và qua loa. IR là cánh cửa giao tiếp chính với nhà đầu tư một cách chính danh và thuận tiện, làm tốt sẽ ghi điểm, tối ưu hoá giá trị và lợi ích từ phía ban lãnh đạo cũng như nhà đầu tư.

Chuyên đề