Doanh nghiệp bất động sản “thắt lưng buộc bụng” để vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để cầm cự trong lúc khó khăn, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã chọn cách thu hẹp mặt bằng, thậm chí tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể vì chịu "nhiệt" không nổi.
Khi nguồn cung mới dồi dào lại đối diện với lúc thắt chặt ngân sách của các công ty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tất nhiên sẽ đặt ra nhiều áp lực lên tình hình hoạt động của thị trường văn phòng TP.HCM
Khi nguồn cung mới dồi dào lại đối diện với lúc thắt chặt ngân sách của các công ty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tất nhiên sẽ đặt ra nhiều áp lực lên tình hình hoạt động của thị trường văn phòng TP.HCM

Nhiều doanh nghiệp gục ngã

Con đường Lương Định Của tại TP. Thủ Đức, TP.HCM tuy không dài nhưng lâu nay quy tụ khá đông các công ty bất động sản tề tựu về đây "cát cứ". Lý do các doanh nghiệp chọn khu vực này là vì có vị trí đắc địa, lại cạnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm sôi động, trong khi TP. Thủ Đức kể từ khi chính thức lên thành phố được nhiều khách hàng tìm đến mua bất động sản để đầu tư hoặc an cư.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, con đường này đã không còn sôi động như trước khi nhiều mặt bằng liên tục bị trả lại. Chỉ tính riêng đoạn tiếp giáp với đường Nguyễn Hoàng, nhiều công ty bất động sản trước đó từng chung vách với nhau nay đã rời đi, trơ ra những biển hiệu rách nát, xuống cấp.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản từng thuê mặt bằng ở đây cho biết, "cơn lốc" khó khăn quét đến lĩnh vực bất động sản quá mạnh và nhanh khiến cho nhiều doanh nghiệp gục ngã. "Sau khi cắt giảm bớt nhân sự nhưng vẫn không trụ nổi, chúng tôi đã đi đến quyết định đóng cửa công ty. Trước mắt, tôi phải đi làm thuê cho một công ty khác. Khi thị trường tốt lên và xoay sở được nguồn tiền, chúng tôi sẽ đưa công ty hoạt động trở lại", vị này chia sẻ.

Từng được xem là một doanh nghiệp khá mạnh trong lĩnh vực môi giới bất động sản ở phía Nam nhưng liên tiếp mấy năm nay, Công ty H… (xin không nêu tên) vẫn luôn "trầy vi tróc vảy" trước bài toán nên tồn tại hay giải thể. Lý do là, tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác luôn tăng, trong khi nguồn hàng đem về cho nhân viên bán lại ít, khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Có những dự án vừa làm lễ mở bán tưng bừng được mấy hôm, nhưng sau đó đành phải trả lại bởi nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách quá "xương", trong khi chi phí trả cho đơn vị phân phối lại thấp.

Ông T…, Tổng giám đốc Công ty H… ngao ngán giãi bày: "Doanh nghiệp của chúng tôi thực sự bế tắc trong suốt thời gian qua và cả hiện nay. Dù đã di dời văn phòng nhiều lần để cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy đến mức tối đa, nhưng dòng tiền vẫn thiếu trước hụt sau. Mấu chốt hiện nay là tình hình giao dịch gần như tê liệt, nguồn hàng tung ra thị trường rất ít, trong khi người dân cũng không có tài chính dồi dào để mua bất động sản như trước nữa".

Cần linh hoạt giải pháp

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản cả nước giải thể lên đến 235 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới địa ốc cho biết, có không ít chủ doanh nghiệp bất động sản, tuy có tài sản nhưng do không bán hoặc thế chấp được để vay ngân hàng, đành phải bán nhà, bán xe ô tô để cầm cự. Và khi đã đi đến những nỗ lực cuối cùng nhưng vẫn không "trụ" được thì đó là điều không có gì còn buồn hơn.

Bà Thanh Phạm - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết, trong quý I/2023, việc thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn ở TP.HCM, đặc biệt đến từ nhiều doanh nghiệp là chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính liên tục diễn ra. Ngoài ra, nhiều giao dịch đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh.

Không chỉ đối với các doanh nghiệp đi thuê mặt bằng, những yếu tố nói trên cùng với khó khăn kinh tế trước mắt cũng đã gây áp lực mạnh lên thị trường văn phòng khi lần đầu tiên sau giai đoạn đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi đó, diện tích khách lại trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều.

Khảo sát các tòa nhà văn phòng cho thuê ở TP.HCM, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận, tỷ lệ trống của văn phòng hạng A và hạng B khá cao, do giá cho thuê đối với lúc cần "thắt lưng buộc bụng" này trở thành một gánh nặng. Chính CBRE Việt Nam cũng thừa nhận, tỷ lệ trống văn phòng hạng A và hạng B lần lượt tăng 6,9% và 9,8 so với quý trước.

Có một điểm chung giữa các phân khúc bất động sản trong thời gian qua là xu hướng phát triển phân khúc cao cấp ngày càng tăng, trong khi phân khúc bình dân lại thiếu. Và thị trường văn phòng cho thuê cũng không nằm ngoài xu hướng này. Năm 2023, CBRE Việt Nam dự kiến sẽ có thêm 6 tòa nhà văn phòng mới, với khoảng 170.000 m2 sàn và hạng A vẫn sẽ chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 80% tổng nguồn cung.

Nhiều chuyên gia chỉ rõ, khi nguồn cung mới dồi dào lại đối diện với lúc thắt chặt ngân sách của các công ty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, sẽ đặt ra nhiều áp lực lên tình hình hoạt động của thị trường văn phòng TP.HCM. Do đó, các chủ đầu tư cần phải thận trọng khi đưa ra các chính sách chào thuê, nhất là những dự án mới. Nếu không linh hoạt trong việc cho thuê, khi tỷ lệ lấp đầy không như kỳ vọng thì sự bế tắc cũng chẳng thua kém gì các phân khúc bất động sản khác./.

Chuyên đề