DN bất động sản chạy đua hút vốn qua kênh trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định số 81/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đối với trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, có 71.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, có 71.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên

Trước thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực (1/9/2020), nhiều doanh nghiệp đã bước vào cuộc chạy đua phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Tranh thủ phát hành

Trong tháng 7, Tập đoàn Novaland là một trong những doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn phát hành lượng trái phiếu lớn thông qua ba đợt khác nhau tổng giá trị lên đến 1.420 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng. 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị này cũng phát hành thành công 2.537 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,60%, nằm trong top 10 doanh nghiệp bất động sản huy động trái phiếu trên 1.000 tỷ đồng.

Sang đầu tháng 8, HĐQT Novaland thông qua 8 nghị quyết phát hành trái phiếu với tổng trị giá lên đến 2.500 tỷ đồng, thời điểm phát hành trong quý III/2020. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 vừa công bố cho thấy, tổng tài sản của Novaland tính đến ngày 30/6 là 98.779 tỷ đồng; nợ phải trả là 74.212 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 38.087 tỷ đồng, chiếm đến 51%. Dư nợ vay trái phiếu dài hạn đạt 13.918 tỷ đồng, tăng gần 34,4% so với đầu năm nay.

Bên cạnh Novaland, hàng loạt đại gia địa ốc khác cũng đẩy mạnh tần suất phát hành trái phiếu như Saigon Glory huy động thêm 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng trong tháng 7. Trước đó doanh nghiệp này đã huy động thành công 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Công ty CP Kita Invest huy động hơn 100 tỷ đồng trong tháng 7, nâng tổng giá trị phát hành lên 2.300 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, các doanh nghiệp bất động sản tổng cộng đã phát hành 47.200 tỷ đồng trái phiếu trong quý II, tăng gần gấp đôi so với lượng phát hành quý I/2020 và so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, có 71.600 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn ngân hàng sẽ quay trở lại?

Theo SSI, sự gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II vừa qua là dấu hiệu tăng tốc trước khi các điều kiện phát hành bị siết lại bởi Nghị định 81.

Nghị định 81 đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ. Chẳng hạn như về điều kiện phát hành trái phiếu, điểm mới tại Nghị định 81 là dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất. Các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin sẽ giảm tình trạng chia nhỏ lô phát hành để đảm bảo điều kiện là chào bán riêng lẻ.

Bình luận về động thái ồ ạt phát hành trái phiếu bất động sản trước ngày bị siết chặt, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trái chủ là những nhà đầu tư, rủi ro cho chính doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, việc mua trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận cao sẽ kích thích “lòng tham” của nhà đầu tư cá nhân, mua trái phiếu ngay cả khi không hiểu rõ tình hình kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp. Trên thực tế đã có những trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao nhưng không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại cho khách hàng.

Trước ý kiến lo ngại về thị trường bất động sản sẽ khó chồng khó khi bị siết cả nguồn vốn tín dụng lẫn trái phiếu, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian tới dòng vốn ngân hàng và trái phiếu vẫn sẽ đổ vào những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tiềm lực tài chính vững vàng, nguồn vốn ổn định.

Các chuyên gia của SSI cũng lạc quan khi cho rằng, sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Chuyên đề