Điều gì giúp doanh nghiệp sống sót trong thời Covid?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước tác động của dịch Covid-19, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh trong khi nhiều doanh nghiệp khác vẫn trụ vững. Giới chuyên gia cho rằng, Covid-19 cho thấy rõ năng lực quản trị, sức bền và khả năng thích ứng của doanh nghiệp, để từ đó, một thế hệ doanh nghiệp - doanh nhân mới hình thành.
Ý chí và và khả năng thích ứng trong điều kiện kinh doanh thay đổi đã giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn vừa qua. Ảnh: Lê Tiên
Ý chí và và khả năng thích ứng trong điều kiện kinh doanh thay đổi đã giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn vừa qua. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020 có tổng cộng 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Những con số kể trên cho thấy sức tác động đáng kể của dịch Covid-19 với hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020.

Nói về khả năng thích ứng của doanh nghiệp khi chịu tác động của dịch Covid-19, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Khi Chính phủ thực hiện quy định giãn cách xã hội, chỉ trong vòng 10 ngày, một hệ thống bán lẻ đã xây dựng được chuỗi giao nhận hàng hóa tại nhà. Một kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, 60% doanh nghiệp vẫn tồn tại được nhờ chuyển đổi mô hình kinh doanh khi dịch Covid-19 xảy ra. Điều đó cho thấy, ý chí và và khả năng thích ứng trong điều kiện kinh doanh thay đổi đã giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn vừa qua”.

Cũng theo ông Bảo, sự tồn tại và mất đi của các doanh nghiệp là quy luật đào thải tự nhiên của thị trường. Các doanh nghiệp có thể thích ứng để chuyển đổi mô hình kinh doanh, đặc biệt là chuyển đổi theo hướng áp dụng kinh tế số, kinh tế chia sẻ, dữ liệu đám mây để tồn tại trong khó khăn, và từ đó hình thành thế hệ doanh nhân mới, doanh nghiệp mới. Đây cũng sẽ là lực lượng chủ lực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đã rất nỗ lực để trụ vững trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, một trong những cách thức để doanh nghiệp vượt qua khó khăn là chuyển đổi số trong mọi hoạt động từ sản xuất đến phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng.

“Năm 2021, tận dụng lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng đều xác định rõ mục tiêu trong bối cảnh mới. Phải nỗ lực chuyển đổi mô hình sản xuất để gia tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu. Làm được điều này đòi hỏi mô hình quản trị kinh doanh linh hoạt và thích ứng với các thay đổi trong bối cảnh mới”, ông Phi nói.

Đồng tình với các quan điểm trên, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp dừng, tạm dừng kinh doanh trong năm vừa qua một phần là do Covid-19, nhưng một phần là do nội lực không đủ mạnh để vượt qua khó khăn. Ngược lại, hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác vẫn hoạt động được là nhờ năng lực chống chịu tốt trước các biến động của thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên nội lực chính là năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Theo đó, năng lực quản trị của doanh nghiệp bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, từ khóa được nhắc đến nhiều trong giai đoạn gần đây là tính hoạt động liên tục - bao gồm dòng tiền, vốn lưu động, khả năng thanh khoản với hàng tồn kho... Mặt khác, năng lực quản trị rủi ro cũng là điều được nhiều doanh nghiệp chú trọng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các mô hình quản trị khủng hoảng bên cạnh mô hình quản trị minh bạch, quản trị hiệu quả hoạt động.

“Trong khó khăn, bản lĩnh của người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng. Do đó, trong quản trị doanh nghiệp hiện đại, một chỉ số được chú trọng là tư tưởng nhà lãnh đạo, tư tưởng kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi đã nhìn thấy những điểm sáng trong tư duy quản trị của doanh nghiệp. Đó là tư duy thích ứng để phát triển”, bà Thanh nhấn mạnh.

Chuyên đề