Điện lực địa phương chung sức giải bài toán điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Điện lực địa phương được đánh giá là mắt xích quan trọng trong quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia. Đây là các đơn vị trực tiếp tương tác với khách hàng; xử lý, khắc phục sự cố về điện; là lực lượng tuần tra, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống truyền tải; tuyên truyền khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần giải bài toán cung - cầu điện cho phát triển kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Công nhân ngành điện kiểm tra, bảo dưỡng thệ thống truyền tải. Ảnh: Lê Tiên
Công nhân ngành điện kiểm tra, bảo dưỡng thệ thống truyền tải. Ảnh: Lê Tiên

Kiểm soát thực địa và ứng dụng công nghệ quản lý

Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm của Khánh Hòa tăng 14%; 4 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2023. Ông Nguyễn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết: “Chưa có trường hợp nào cắt điện đột xuất, chỉ trừ trường hợp có sự cố lưới điện ngoài dự kiến. Từ đầu mùa khô đến nay, lưới điện ở Khánh Hòa vận hành ổn định, chỉ có vài sự cố, chúng tôi đã chuyển lưới, chuyển sang phương thức cấp bách khác và giải quyết được ngay”.

Kết quả này có được là nhờ Công ty triển khai đồng thời nhiều giải pháp để ngăn ngừa, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt là khi các đường dây thường xuyên mang tải cao và đầy tải do giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực. Ông Nghĩa cho biết, địa hình của Khánh Hòa rất đặc thù nên hệ thống truyền tải có vị trí xung yếu, có những tuyến truyền tải luôn đối mặt với nguy cơ mất an toàn. “Ngay từ đầu mùa khô, Điện lực Khánh Hòa đã chặt tỉa cây cao ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây và phát dọn thực bì chống cháy các khoảng cột nguy cơ cao. Đồng thời, thực hiện vệ sinh hotline 21 vị trí của đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang, khu vực gần mỏ đá và công trường vận chuyển vật liệu phục vụ thi công tuyến cao tốc, nhiều bụi bẩn bám cách điện đường dây”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Trong khi Điện lực Khánh Hòa tập trung kiểm soát thực địa trên các tuyến truyền tải, thì Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành, như giám sát nhiệt độ tại các trạm biến áp (TBA) 110kV để sớm phát hiện nguy cơ hư hỏng, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng vận hành; kiểm tra lưới điện bằng flycam, camera nhiệt công nghệ hotline; triển khai mô hình máy biến áp (MBA) lưu động đấu nối hotline cấp điện thay cho MBA cần vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa; lắp aptomat di động để khép vòng lưới điện hạ áp nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hạn chế tối đa số lượng khách hàng mất điện khi thực hiện công tác san tải lưới điện hạ áp.

“Việc áp dụng các công nghệ mới góp phần giúp PC Đà Nẵng hoàn thành tốt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là trong thời tiết nắng nóng cục bộ kéo dài”, ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết.

Đẩy mạnh đầu tư truyền tải

Cùng với bảo đảm an toàn đường dây truyền tải, các TBA, các công ty điện lực khu vực miền Trung tích cực thực hiện đầu tư lưới điện, TBA mới. Ở tỉnh Quảng Nam, trung bình 5 năm gần đây, ngành điện ưu tiên bố trí 596 tỷ đồng/năm vốn đầu tư. Trong đó, đầu tư mạnh cho lưới 110kV, trung áp. Riêng năm 2023, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) giải ngân gần 270 tỷ đồng cho các dự án truyền tải. “11 km đường dây trung áp 22kV mạch kép cấp điện cho Công ty SGI VINA tại Khu công nghiệp Chu Lai; Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm huyện lỵ, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam (KfW3.2); đóng điện 22 km đường dây trung, hạ áp và 7 trạm biến áp đưa điện lưới đến 589 hộ dân ở vùng núi cao vào cuối năm 2024 đã được hoàn thành”, ông Lưu Đức Lợi, Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết. Dự kiến, năm 2024, PC Quảng Nam thực hiện 129 công trình với tổng vốn hơn 244,3 tỷ đồng. Tất cả các công trình kế hoạch năm 2024 đã hoàn thành thủ tục dự án, đấu thầu cũng như đăng ký nhu cầu vật tư, thiết bị từ tháng 9/2023.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, Tỉnh đã hoàn thành Dự án Nâng công suất TBA 220 kV Huế từ (125+250) MVA lên 2x250 MVA và đưa vào vận hành Nhà máy Điện rác Phú Sơn, công suất 12MW. Cũng giai đoạn này, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đầu tư lưới điện trên địa bàn Tỉnh với giá trị 846 tỷ đồng. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đang triển khai Dự án TBA 220kV Chân Mây và đường dây đấu nối, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu quý I/2025, hoàn thành đưa vào hoạt động vào quý I/2026.

Về lưới điện, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế chia sẻ, năm 2024 sẽ đầu tư 127 tỷ đồng đường dây trung thế, hạ thế và xây dựng mới, cải tạo, nâng cao dung lượng 132 TBA. Với việc có nhiều dự án đang chuẩn bị đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Thừa Thiên Huế đã đề nghị EVN quan tâm đến phương án cấp điện dự án, chỉ đạo các tổng công ty phối hợp với địa phương để rà soát, cập nhật dự án dự kiến triển khai vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Bên cạnh chủ động các giải pháp quản lý kỹ thuật - vận hành, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện. Theo đó, năm 2024, PC Hà Tĩnh được giao 14 dự án lưới điện với tổng mức đầu tư 116,946 tỷ đồng. Có 12 dự án đang thi công gồm 10 dự án chống quá tải, 2 dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện lưới trung áp. Với các dự án lưới điện trung và hạ áp, PC Hà Tĩnh đang quản lý 58 dự án đầu tư xây dựng năm 2023 với tổng vốn đầu tư trên 722 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang đầu tư thực hiện các dự án lưới điện 110 kV giai đoạn 2021 - 2025 tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 497,7 tỷ đồng.

21 dự án đầu tư xây dựng và 26 công trình sửa chữa lớn với tổng nguồn vốn gần 188 tỷ đồng là kế hoạch mà Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) thực hiện nhằm cung ứng đủ điện cho năm 2024. Phó Giám đốc PC Quảng Bình Vi Thế Hảo cho biết, PC Quảng Bình đang triển khai lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn thẩm định dự án và giám sát thi công. “Đơn vị sẽ hạn chế tối đa thời gian mất điện, số lần mất điện trong quá trình thi công”, PC Quảng Bình cho hay.

Theo EVNCPC, thông qua các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng quốc tế, Tổng công ty cũng như các địa phương đã cải tạo nhiều dự án lưới điện. Nhờ vậy, hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã vươn dài đến các địa phương, có 100% số huyện, 100% số xã đất liền, 99,71% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới với 4,6 triệu khách hàng sử dụng điện. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC và điện lực địa phương phối hợp đầu tư hệ thống lưới điện phân phối bán điện trực tiếp cho các nhà máy, vừa giảm gánh nặng cho nhà đầu tư, góp phần thu hút đầu tư, vừa mang lại hiệu quả trực tiếp cho ngành điện.

Chuyên đề