Điện cho tăng trưởng: Cuộc “chuyển mình” của chính sách và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên tục cải tiến và tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng, từng bước đầu tư nhằm tự chủ nguồn năng lượng đang trở thành xu thế của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh sự chuyển động của các doanh nghiệp, chính sách điều tiết thị trường điện đang từng bước chuyển mình theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo, chủ động tìm đến điểm hiệu quả tối ưu.
Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải ra môi trường. Ảnh: Tuấn Anh
Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải ra môi trường. Ảnh: Tuấn Anh

Giải “bài toán” điện nhìn từ doanh nghiệp

Năm 2023, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đạt tổng doanh thu 13.172 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.255 tỷ đồng, vượt mong đợi. Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 11/6 tới đây, Đạm Cà Mau dự kiến trình cổ đông kế hoạch 11.878 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 794,8 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024, đồng thời xác lập 3 mũi chiến lược trong năm 2024 là đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số.

Về hoạt động đầu tư, trong 7 dự án mới của năm 2024, Đạm Cà Mau sẽ đầu tư Dự án Sản xuất điện mặt trời công suất 5MWp với giá trị 66,09 tỷ đồng. Lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, Dự án nhằm giúp Công ty chuyển động theo hướng tự sản, tự tiêu để giảm chi phí, góp phần chủ động nguồn cung điện, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau tiếp tục tiết giảm và sử dụng hiệu quả điện sản xuất, tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tận dụng nguồn nhiệt thừa, nguồn nhiệt tiêu hao, góp phần tiết kiệm chi phí và tối ưu chu trình hoạt động sản xuất. Năm 2023, doanh thu tăng, nhưng tổng cường độ sử dụng điện cho Nhà máy Đạm Cà Mau giảm 1,98% so với năm 2022. Theo kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao, đến năm 2025, tỷ lệ tiêu hao năng lượng Nhà máy Đạm Cà Mau tiết giảm 5% so với định mức năm 2022. Sau quá trình cải tiến và tối ưu hóa sản xuất, năm 2023 tỷ lệ tiêu hao năng lượng đã giảm 4,23% so với năm 2022.

Hòa Phát, doanh nghiệp dự kiến đạt 140.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024 cho biết, Tập đoàn đã tự chủ trên 80% điện cho sản xuất thép. Hòa Phát đang áp dụng các giải pháp như thu hồi nhiệt dư, khí nóng lò cốc, lò cao, lò thổi sản xuất điện, tận dụng phục vụ cho phát điện để cung cấp cho sản xuất. Tiếp theo là sử dụng công nghệ dập cốc khô thân thiện với môi trường để sản xuất điện; áp dụng công nghệ đúc - cán liên tục, tận dụng nhiệt từ phôi nóng. Những giải pháp này đã tiết giảm tối đa sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải… Năm 2023, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt 2,4 tỷ kWh, tương đương 4.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen cho biết, sản xuất và kinh doanh tôn thép cần sự vận hành của nhiều dây chuyền với nhu cầu lớn về năng lượng và đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường. Ý thức được điều đó, Hoa Sen liên tục cải thiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, đồng thời hạn chế tối đa những tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tất cả các văn phòng, nhà máy thuộc Tập đoàn đều thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng định kỳ. Đặc biệt, mỗi dây chuyền sản xuất phải thường xuyên theo dõi, thống kê tình hình sử dụng năng lượng nhằm phát hiện và điều chỉnh kịp thời tình trạng sử dụng không hợp lý. Hoa Sen cũng đã thay hệ thống đèn chiếu sáng cao áp bằng đèn huỳnh quang, sử dụng tôn nhựa sáng để lấy ánh sáng tự nhiên, đồng thời lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời công nghiệp để làm nóng nước trước khi đưa vào lò hơi để tiết kiệm nước, tiết kiệm điện…

Không chỉ với doanh nghiệp sản xuất lớn, tiết kiệm và tìm cách tối ưu hóa sử dụng điện là hành động chung của nhiều doanh nghiệp dịch vụ, tài chính, ngân hàng. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, nhờ các sáng kiến tiết kiệm năng lượng như tắt máy tính sau giờ làm việc, thay đèn huỳnh quang bằng đèn led, sử dụng kính đôi trong các tòa nhà lớn để lấy ánh sáng tự nhiên, trồng cây phủ xanh môi trường làm việc để hạn chế dùng điều hòa…, năm 2023, ACB giảm 13% lượng điện tiêu thụ. Dù nhu cầu tăng theo quy mô hoạt động, nhưng ACB quyết tâm giảm dần lượng điện tiêu thụ hàng năm. Năm 2023, ACB đạt 20.068 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; năm 2024, Ngân hàng đặt mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Chính sách hướng đến thị trường điện cạnh tranh

Tháng 3/2024, Bộ Công Thương công bố Dự thảo Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Thông tư áp dụng đối với 5 chủ thể, gồm đơn vị mua buôn điện, đơn vị phát điện, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị truyền tải điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo Dự thảo, trong giai đoạn đầu vận hành thị trường điện, đơn vị mua buôn điện bao gồm 5 tổng công ty thuộc EVN là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội và TP.HCM. Đơn vị phát điện là đơn vị sở hữu một hoặc nhiều nhà máy điện, ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị mua điện.

Ngân hàng TMCP Á Châu cho biết, nhờ các sáng kiến tiết kiệm năng lượng như thay đèn huỳnh quang bằng đèn led, sử dụng kính đôi trong các tòa nhà lớn để lấy ánh sáng tự nhiên, trồng cây phủ xanh môi trường làm việc..., năm 2023, ACB giảm 13% lượng điện tiêu thụ.

Cũng theo Dự thảo, nhà máy điện có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký và trực tiếp tham gia thị trường điện. Nhà máy điện có công suất lắp đặt đến 30 MW đấu nối lưới điện cấp điện áp từ 110 kV trở lên và nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện có công suất lắp đặt lớn hơn 10 MW được quyền lựa chọn trực tiếp tham gia thị trường điện… Một số chuyên gia đánh giá, dự thảo Thông tư cho thấy bước tiến trong tư duy chính sách, hướng đến hình thành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Tháng 4/2024, Cục Điều tiết điện lực Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam ký biên bản hợp tác trong việc hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh tranh. Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thị trường điện cạnh tranh và khẳng định, việc tạo ra thị trường điện cạnh tranh cùng với các khung pháp lý phù hợp có thể thu hút đầu tư tư nhân cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.

Australia là một trong những nền kinh tế chuyển đổi thị trường điện theo hướng tự do hóa, xuất phát từ mục tiêu cung cấp nguồn năng lượng đầy đủ và hiệu quả cho phát triển kinh tế. Trước năm 1990, ngành điện tại quốc gia này được tổ chức theo mô hình độc quyền nhà nước. Năm 1998, thị trường bán buôn điện quốc gia bắt đầu vận hành. Năm 2014, Australia vận hành thị trường bán lẻ điện hoàn chỉnh, theo đó, các đơn vị bán lẻ điện mua điện từ thị trường giao ngay và trả phí cho dịch vụ truyền tải điện và phân phối điện và dịch vụ khác để cạnh tranh bán điện cho khách hàng tiêu thụ điện cuối cùng.

Theo TS. Đinh Xuân Bách, quá trình phát triển thị trường điện cạnh tranh Australia và nhiều nhiều quốc gia khác cho thấy kết quả khả quan, được thể hiện ở nhiều chỉ tiêu như dự trữ công suất (năng lực sản xuất) tốt hơn, hệ thống sản xuất hiệu quả hơn, điều tiết giá điện bán lẻ minh bạch và hiệu quả hơn... Tại Việt Nam, diễn tiến chính sách đang từng bước hướng đến thị trường điện cạnh tranh và áp lực cạnh tranh sẽ tối ưu hóa lợi ích của các chủ thể sử dụng điện, thúc đẩy tính hiệu quả của doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, để hình thành thị trường điện cạnh tranh, yếu tố tiên quyết là phải có nguồn cung đủ lớn. Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024, Thủ tướng thúc đẩy Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương hoàn thiện phụ lục kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và xây dựng Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng lớn, trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2024. Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 có khoảng 335 tỷ kWh điện thương phẩm, 378,3 tỷ kWh điện sản xuất và nhập khẩu; năm 2030 có khoảng 505,2 tỷ kWh điện thương phẩm, 567 tỷ kWh điện sản xuất và nhập khẩu… Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, phục vụ tiêu thụ tại chỗ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư