Điểm vướng kéo dài hàng thập kỷ tại dự án khu đô thị tỷ đô Ciputra

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long - giai đoạn 2 (khu đô thị Ciputra) là một trong số các dự án có vướng mắc kéo dài nhiều năm trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ciputra là một trong những dự án khu đô thị có quy mô lớn nhất miền Bắc.
Ciputra là một trong những dự án khu đô thị có quy mô lớn nhất miền Bắc.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội mới đây đã có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến vướng mắc tại một số dự án trên địa bàn Thành phố (TP), trong đó có Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long - giai đoạn 2 (khu đô thị Ciputra).

Trả lời băn khoăn của cử tri, lãnh đạo UBND TP cho biết Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1106 ngày 19/12/1997 về việc cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội thuê đất để góp vốn liên doanh trong Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 - 24 ha thuộc địa giới hành chính 3 phường Xuân La, Phú Thượng và Nhật Tân. Thuộc địa giới hành chính phường Xuân La là 38.529 m2 đất, trong đó có 36.480 m2 đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và chủ đầu tư đã đầu tư xong diện tích trên.

Tuy nhiên, còn tồn tại 9 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 2.111 m2 thuộc tổ 41 chưa GPMB trong quy hoạch trồng cây xanh của Dự án.

Theo lãnh đạo TP, quá trình triển khai Dự án đối với phần diện tích trên, ngay từ đầu các hộ không đồng thuận, đề nghị không thu hồi GPMB tại khu vực này để thực hiện Dự án do nguồn gốc sử dụng đất của các căn hộ sử dụng chủ yếu là đất thổ cư nhiều đời, nhà ở xây dựng kiên cố nay bị thu hồi để làm cây xanh, thảm cỏ là không hợp lý.

UBND quận Tây Hồ đã có văn bản báo cáo và đề xuất Sở Tài Nguyên và Môi trường kiểm tra, báo cáo UBND TP chấp thuận việc điều chỉnh chỉ giới thu hồi đất tại vị trí nêu trên.

Trước đó, khu đô thị này cũng từng gây sự chú ý khi hàng trăm cư dân sống tại đây bày tỏ bất bình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư và đồng loạt ký tên phản đối việc này gửi UBND TP. Hà Nội.

Sau đó, tại Thông báo số 212/TB-UBND ngày 27/2/2019, lãnh đạo TP cũng đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo, làm rõ phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện đối với việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch; trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh phải đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi đề xuất điều chỉnh.

Cũng liên quan đến Dự án Khu đô thị Ciputra này, Sở Xây dựng Hà Nội mới đây đã xin ý kiến Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng một phần dự án.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết trước thời điểm Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành thì thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 50 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Còn từ thời điểm Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành thì thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 50 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Về việc giải quyết các trường hợp hồ sơ thực hiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nộp theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 nộp trước thời điểm Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết xong thì Bộ Xây dựng cho biết, tại Khoản 5 Điều 115 Nghị định số 31 của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có quy định cụ thể.

Theo đó, trường hợp nhà đầu tư đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản trước ngày 1/1 thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư được lựa chọn tiếp tục áp dụng thủ tục theo quy định về kinh doanh bất động sản hoặc thực hiện theo quy định về đầu tư.

"Đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội đối chiếu trường cụ thể với quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật kinh doanh bất động sản hiện hành để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", Bộ Xây dựng cho biết.

Được biết, khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) là một trong những khu đô thị mới đầu tiên do nhà đầu tư Indonesia và Việt Nam hợp tác liên doanh xây dựng tại Hà Nội. Đây cũng là một trong những dự án khu đô thị có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích hơn 300 ha, tổng số vốn khoảng hơn 2 tỷ USD.

Chuyên đề