Đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 367.000 căn nhà

0:00 / 0:00
0:00
Với số dân khoảng 10,29 triệu người vào năm 2025, TP.HCM dự kiến xây thêm 367.000 căn nhà ở, tương ứng với 50 triệu m2 sàn nhà ở…
Đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 367.000 căn nhà

Dự thảo chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 của Sở Xây dựng TP.HCM đã đặt mục tiêu xây dựng thêm 107,5 triệu m2 nhà ở, đáp ứng chỗ ở cho hơn 11,29 triệu dân của thành phố, với tổng nguồn vốn cần khoảng 1,52 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 367.000 căn nhà để đáp ứng chỗ ở cho hơn 10,25 triệu dân. Trong đó, có 40,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng trong dự án, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình, và khoảng 9,3 triệu m2 chung cư cao tầng. Tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố năm 2025 sẽ tăng lên mức 23,5 m2/người.

Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giai đoạn này cần khoảng 239.750 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, cá nhân là 289.530 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 37.700 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, dân số thành phố dự kiến tăng lên 11,29 triệu người. TP.HCM sẽ xây dựng thêm khoảng 57,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu ở của người dân và nâng diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,5 m2/người. Phân theo loại hình, giai đoạn này, toàn thành phố sẽ có thêm 44,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng trong dự án, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình và khoảng 12,8 triệu m2 chung cư cao tầng.

Tổng nguồn vốn xây dựng nhà ở thương mại khoảng 464.400 tỷ đồng; nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, cá nhân cần khoảng 406.100 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 86.400 tỷ đồng.

Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, cần khoảng 1,52 triệu tỷ đồng để thực hiện các dự án nhà ở trong chiến lược phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030. Nguồn vốn này dự kiến được huy động từ các nguồn như vốn tự có của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, vốn tích lũy của hộ gia đình và các nguồn khác.

Quỹ đất dành cho nhu cầu nhà ở của thành phố trong 10 năm tới lên đến 5.239ha, trong đó, đất cho xây dựng nhà ở thương mại khoảng 4.788ha, còn 451ha dành cho nhà ở xã hội.

Theo định hướng của chính quyền TP.HCM, trong 10 năm tới, thành phố sẽ phát triển nhà ở gắn với phát triển đô thị, đảm bảo đầu tư phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, phát triển đa dạng loại hình nhà ở về giá cả, vị trí, diện tích.

Trong đó, đẩy mạnh phát triển nhà chung cư, tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực các ga metro để tận dụng hạ tầng, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp. Phát triển đa dạng về hình thức thanh toán như thuê, thuê mua, mua, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp, giá rẻ.

Tại khu vực trung tâm và nội thành hiện hữu, để tránh quá tải hạ tầng đô thị, TP.HCM sẽ tập trung phát triển nhà ở chung cư cao tầng trong giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô của dự án. Tập trung phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực nội thành quận 7, quận 12, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ từng bước phát triển hạ tầng ở khu vực ngoại thành để tạo lập các quỹ đất phát triển dự án nhà ở giá rẻ có hạ tầng đồng bộ, phục vụ số đông người lao động dịch cư đến thành phố.

Bên cạnh đó, để giải bài toán giao thông đô thị, TP.HCM định hướng phát triển các dự án nhà ở dọc theo các điểm kết nối của những tuyến giao thông công cộng trọng điểm, như: metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy qua TP. Thủ Đức về hướng Đông; dọc theo điểm kết nối tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua quận Tân Phú, quận 12 về hướng Bắc; dọc theo các điểm kết nối tuyến metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên đi qua quận Bình Tân, huyện Bình Chánh về hướng Tây.

TP.HCM sẽ phát triển đô thị dọc theo các tuyến đường chính kết nối đô thị vệ tinh, đường vành đai liên kết vùng.

Chuyên đề