Đề xuất nhiều cơ chế riêng trong đấu giá biển số xe ô tô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công an vừa hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (ĐGTS) giữa pháp luật về ĐGTS với Dự thảo Nghị định, nhưng Cơ quan soạn thảo bảo lưu một số quy định vì cho rằng phù hợp với đặc thù đấu giá biển số xe ô tô, được thực hiện trên cơ sở thí điểm nên cần có cơ chế riêng.
Bộ Công an cho rằng, đấu giá biển số xe ô tô mang tính đặc thù, được thực hiện trên cơ sở thí điểm, do vậy cần có cơ chế riêng. Ảnh minh họa: TL
Bộ Công an cho rằng, đấu giá biển số xe ô tô mang tính đặc thù, được thực hiện trên cơ sở thí điểm, do vậy cần có cơ chế riêng. Ảnh minh họa: TL

Trong quá trình lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định, nhiều bộ, ngành chỉ ra những điểm có sự khác nhau giữa pháp luật về ĐGTS và Dự thảo Nghị định như: các trường hợp hủy kết quả ĐGTS, quy định mức thù lao dịch vụ đấu giá (TLDVĐG), chi phí đấu giá Nhà nước phải trả cho tổ chức ĐGTS với mỗi biển số xe ô tô đưa ra đấu giá…

Cụ thể, về TLDVĐG, chi phí đấu giá, Bộ Tư pháp cho rằng, cần cân nhắc rà soát kỹ một số vấn đề. Đơn cử, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật ĐGTS, đối với việc bán ĐGTS công, TLDVĐG được xác định trên cơ sở cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, điểm b Khoản 3 Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định trường hợp đấu giá không thành, TLDVĐG thanh toán cho tổ chức ĐGTS là 10.000 đồng/biển số. Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, cân nhắc trường hợp này theo hướng, trường hợp ĐGTS không thành thì tổ chức ĐGTS chỉ được thanh toán các chi phí ĐGTS theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Luật ĐGTS, vì về nguyên tắc trong trường hợp đấu giá không thành thì tổ chức ĐGTS không được hưởng TLDVĐG và ngân sách nhà nước không thể trang trải cho việc này khi không thể thu tiền trúng đấu giá.

Liên quan tới các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá, điểm b Khoản 3 Điều 10 Dự thảo Nghị định quy định, người đã trúng đấu giá biển số không xác nhận vào biên bản trúng đấu giá, không nộp tiền trúng đấu giá theo thời hạn quy định thì không được đăng ký tham gia đấu giá. Có ý kiến cho rằng, trường hợp người trúng đấu giá không xác nhận vào biên bản cuộc đấu giá đã được quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật ĐGTS, do đó, đề nghị dẫn chiếu đến quy định này của Luật ĐGTS. Đối với trường hợp người không nộp tiền trúng đấu giá theo thời hạn quy định thì không được đăng ký tham gia đấu giá, đề nghị rà soát kỹ trường hợp này để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô gồm 3 chương, 25 điều, quy định về nguyên tắc đấu giá biển số xe ô tô; trình tự, các bước thực hiện trước, trong và sau quá trình đấu giá biển số xe ô tô; tổ chức thực hiện. Dự thảo Nghị định đưa ra hiệu lực thi hành trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 1/7/2023.

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 19 Dự thảo Nghị định quy định về các trường hợp hủy kết quả ĐGTS trong đó có trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản cuộc đấu giá, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá hoặc không làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 Luật ĐGTS, kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.

Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý lại quy định này theo hướng trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá được coi như không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc không chấp nhận mua tài sản đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định kết quả đấu giá phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Khoản 3 Điều 44 Luật ĐGTS); trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá thuộc trường hợp không được công nhận kết quả trúng đấu giá hoặc huỷ quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá; trường hợp không làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá thuộc trường hợp huỷ văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá.

Sau quá trình lấy ý kiến các bên liên quan, Bộ Công an cho rằng, đấu giá biển số xe mang tính đặc thù, được thực hiện trên cơ sở thí điểm, do vậy cần có cơ chế riêng về trình tự, thủ tục và cơ chế tài chính cho việc đấu giá. Trong bối cảnh tổ chức ĐGTS vận hành phần mềm đấu giá online tương đối tối kém, trong khi các công đoạn đấu giá giữa cuộc đấu không thành và cuộc đấu thành không khác nhau về công sức, chi phí bỏ ra, nên số tiền 10.000 đồng cho một biển số đấu giá không thành là mức thấp. Do đó, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên quy định này.

Mặt khác, mức thù lao quy định tại Dự thảo Nghị định được tính toán nhằm đảm bảo khuyến khích tổ chức đấu giá bán cao hơn giá khởi điểm nhằm tối đa hoá việc thu ngân sách nhà nước. Sau thời gian thí điểm, Bộ Công an cho biết, sẽ đề xuất cơ chế thù lao phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhằm đảm bảo người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, tránh tình trạng bỏ cọc, ảnh hưởng đến việc quản lý biển số xe ô tô, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc tổ chức đấu giá, Bộ Công an cho rằng, quy định như Dự thảo Nghị định là cần thiết.

Chuyên đề