Đấu giá biển số xe ô tô: Cần đảm bảo cao nhất quyền lợi cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Với mục tiêu là khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân mà không phải chỉ để thu ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, việc thí điểm đấu giá biển số xe phải tạo thuận lợi nhất về thủ tục, hấp dẫn thu hút người dân tham gia đấu giá và bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc thí điểm đấu giá biển số xe phải tạo thuận lợi nhất về thủ tục, hấp dẫn thu hút người dân tham gia đấu giá. Ảnh: Internet
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc thí điểm đấu giá biển số xe phải tạo thuận lợi nhất về thủ tục, hấp dẫn thu hút người dân tham gia đấu giá. Ảnh: Internet

Chiều ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau khi nghiên cứu, rà soát đánh giá pháp luật, thực tế và kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết và đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này với hình thức văn bản là Nghị quyết “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá...

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc thí điểm không đặt trọng tâm vào tăng thu ngân sách, mà trọng tâm là ở nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với số đăng ký xe ô tô, với phương tiện giao thông này. Đây là hình thức mới, người được cấp số đăng ký sẽ sở hữu số đăng ký này, nhưng đây không phải là tài sản thông thường, mà là tài sản phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nên một số quyền, nghĩa vụ của người được cấp phải có sự hạn chế phù hợp. Cũng do đây là mô hình mới, nên chưa thể đánh giá hết những tác động thực tế, nên cần thận trọng, khoanh rõ phạm vi, chưa nên mở rộng với biển số mô tô, biển vàng cho đối tượng kinh doanh vận tải.

Quan tâm tới quyền lợi của người dân khi trúng đấu giá, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu vấn đề, thời gian thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá có thể là 2 năm hoặc 3 năm. Tuy nhiên, trong thời gian thí điểm có thể có sự kiện pháp lý phát sinh. Vậy sau khi hết thời gian thí điểm, các quy định như được cho, tặng, chuyển nhượng xe có gắn theo biển số,… hoặc những quyền của người trúng đấu giá có được tiếp tục không? Kể cả trường hợp với thời điểm 2 năm, 3 năm những sự kiện pháp lý có thể chưa phát sinh thì các quy định này chỉ mang tính thí điểm nhưng lại có thời hạn thí điểm. Do đó, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, cần làm rõ quyền của người trúng đấu giá khi hết thời hạn thí điểm.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước đây, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung này từ sớm, một số địa phương đã thí điểm thực hiện. Đây là nội dung nhằm thực hiện Luật Tài sản công, đáp ứng nhu cầu có thật và của không ít người dân, chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện.

Tuy nhiên, Chính phủ chủ động cân nhắc lựa chọn phạm vi thí điểm thực hiện và sau này trong quá trình thực hiện có rà soát cân nhắc thêm, không nhất thiết phải mở rộng phạm vi toàn diện ngay từ đầu. Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thí điểm về chính sách không hạn chế về không gian.

Riêng về giá khởi điểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung. Nếu quy định giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người tham gia. Bởi mục tiêu là khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân mà không phải chỉ để thu ngân sách. Về trình tự thủ tục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để tạo thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân từ đó tạo hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Nghị quyết của Quốc hội chủ yếu quyết nghị về mặt chủ trương, do đó, có thể giao cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong tổ chức, thực hiện nhiều nội dung.

Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đến nay Hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định; đồng thời hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình bảo đảm chặt chẽ.

Chuyên đề