Đề xuất lùi thời gian trình Quốc hội Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất đưa 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ thông qua chính sách (Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 30/1/2022); đã được Chính phủ đề xuất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 28/2/2022.

Tại Phiên họp thẩm tra Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 ngày 1/4/2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án luật này vào Chương trình; tuy nhiên, về tiến độ trình Quốc hội thì cần bảo đảm đồng bộ với tiến độ của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất đưa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan như: đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, sau 6 năm triển khai thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước đã xuất hiện những quan hệ mới cần điều chỉnh. Việc xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý thị trường bất động sản, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, pháp luật Dân sự. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giao dịch bất động sản, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; hạn chế phát sinh điều kiện, thủ tục hành chính trong quản lý giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản...

Chuyên đề