Đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu, bia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu, bia.

Cụ thể, trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá.

Theo báo cáo điều tra 194 nước của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021, khoảng 90% số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; đặc biệt, ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, với số lượng 48 nước năm 2008 tăng lên 61 nước vào 2016.

So sánh với các quốc gia khác có thể thấy tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá cao hơn Việt Nam rất nhiều. Mặt khác, mặc dù mặt hàng thuốc lá được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2019, tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

Do vậy, bộ này cho rằng, cần thiết sửa đổi phương pháp tính thuế đối với mặt hàng thuốc lá theo phương pháp hỗn hợp để nhằm tăng tính hiệu quả của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe khác như: rượu, bia để định hướng nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Theo ghi nhận, mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018, tuy nhiên, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh.

Về tác hại do rượu bia đem lại, có nghiên cứu chỉ ra tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình...

Theo khuyến cáo của WHO, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra.

Do đó, để góp phần giảm sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm cần nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Chuyên đề