Đề xuất gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ 2024: Gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy định về gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ sẽ hết hạn vào tháng 6/2024 khiến nợ xấu có thể phình to nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa hồi phục. Thực trạng này có thể khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng tiếp cận vốn tín dụng để tận dụng cơ hội phục hồi. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, tiếp tục thực hiện quy định về gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết, song cần đẩy nhanh việc giải quyết các vướng mắc về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD).
Nhiều ý kiến cho rằng, tiếp tục thực hiện quy định về gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều ý kiến cho rằng, tiếp tục thực hiện quy định về gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Số liệu mới nhất về nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho biết, đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 5,12%. Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 144,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2023, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 425,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Tại báo cáo ngành ngân hàng vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, việc triển khai áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Trong đó, Ngân hàng VPBank có nợ cơ cấu 14.900 tỷ đồng (tương ứng 2,86% dư nợ), Ngân hàng BIDV có gần 20.000 tỷ đồng (tương ứng 1,5% dư nợ), giúp kiểm soát nợ xấu trong quý này.

Theo KBSV, nợ xấu của các ngân hàng chưa nghiêm trọng cho đến hết năm 2023 song cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024. Theo đó, nợ xấu có thể phình to khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ. Đồng thời, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 7/12, một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với NHNN là khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các TCTD.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng đặc biệt lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025". Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.

Về việc kéo dài Thông tư 02, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, trong đó, tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp cần tính đến. “Nợ xấu đã ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong năm sau. Nền kinh tế có thể sẽ bớt khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất định và đầy thách thức. Do đó, việc xem xét kéo dài thời hạn trả nợ là cần thiết”, ông Lực nói.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Do đó, nếu không kéo dài thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thì triển vọng hồi phục của nhiều doanh nghiệp rất nhỏ. Vì vậy, việc xem xét gia hạn Thông tư 02 sau tháng 6/2024 là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Huân, điểm bất lợi của việc giữ nguyên nhóm nợ là bức tranh nợ xấu thực tế của các ngân hàng không được hiển thị rõ ràng trên báo cáo tài chính. Mặt khác, so với các năm trước, hiện nhiều ngân hàng không còn nguồn lực dồi dào để trích lập dự phòng cho các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, nhiều ngân hàng sẽ phải cân nhắc, cân đối với sức khỏe tài chính của mình khi tiếp tục thực hiện chủ trương này.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, bên cạnh gia hạn Thông tư 02, cần thúc đẩy việc giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm. NHNN cũng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Luật Các TCTD để Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư