Để Việt Nam thành trung tâm y tế tầm cỡ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam có đội ngũ bác sỹ giỏi không thua kém các quốc gia trên thế giới nhưng đến nay chưa thu hút được nhiều người nước ngoài đến khám, chữa bệnh (KCB), cũng như chưa giữ chân được người giàu chọn KCB trong nước. Tài năng của người Việt trong lĩnh vực y tế đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm y tế tầm cỡ thế giới?
Nhu cầu du lịch chữa bệnh đang ngày càng tăng, nhất là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát
Nhu cầu du lịch chữa bệnh đang ngày càng tăng, nhất là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát

Vị thế Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới

“Năm 1985, tôi bắt đầu đi học ghép thận ở Hà Lan, đến năm 1992, chúng tôi đã ghép thận thành công ca đầu tiên. Năm 2004 có ca ghép gan đầu tiên. Năm 2010 ghép được tim, rồi ghép phổi, ghép thận - tụy, ghép ruột… Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công gần 8.000 ca ghép tạng, đem đến hy vọng lớn cho hàng chục nghìn bệnh nhân đang cần ghép mô, tạng”, GS. TS. Anh hùng lao động Đỗ Tất Cường, Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec - Phó Chủ tịch Hội Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam chia sẻ.

Cùng với đó, nhiều kỹ thuật y tế rất khó đã được Việt Nam thực hiện thành công như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật nội soi, mở khớp gối, khớp háng, phẫu thuật tạo hình… Việt Nam cũng đã áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến bằng tế bào gốc, gen để giải quyết các bệnh nan y như ung thư…

Riêng năm 2023, ngành y tế tiếp tục ghi dấu ấn khi làm chủ thêm nhiều kỹ thuật cao như: Viện Tim mạch Quốc gia thực hiện kỹ thuật thay van trong van; Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cứu sống bé trai chào đời ở tuần thai 25, nặng vỏn vẹn 600 gram với bệnh lý hẹp ruột bẩm sinh; Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phẫu thuật gần 8 tiếng đồng hồ nối liền bàn tay bị đứt lìa cho bé 21 tháng tuổi...

Đầu năm 2024, Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp tim trong bào thai (FCI) cho thai nhi (32 tuần 5 ngày) có dị tật bẩm sinh hẹp van động mạch phổi với vách liên thất kín (PA/IVS) hiếm gặp trên thế giới. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghép tạng thành công cho 8 bệnh nhân từ 2 người hiến tạng…

Theo các tổ chức quốc tế, trình độ tay nghề của đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trên thế giới. Sự phát triển của ngành y học xứng đáng để người dân trong nước đặt niềm tin và xứng đáng để người nước ngoài sang Việt Nam KCB.

“Cách đây khoảng 15 năm, một vị khách Mỹ hỏi tôi: “Chúng tôi đến Việt Nam du lịch thì làm thế nào để chạy thận nhân tạo, vì cứ 3 ngày phải chạy thận 1 lần?”. Chúng tôi không có câu trả lời vì thực sự chưa làm được. Nhưng nay Vinmec ở Phú Quốc đã thực hiện thường quy ghép thận, chạy thận nhân tạo cho nhiều khách du lịch”, ông Đỗ Tất Cường chia sẻ.

Không chỉ bệnh viện tư nhân như Vinmec, Tâm Anh, Việt Pháp…, một số bệnh viện công cũng đã thu hút được khách nước ngoài đến KCB như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy… Mới đây nhất là ca phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ cho bệnh nhân Australia tại Bệnh viện Xanh Pôn, ghi thêm một dấu ấn mới khi Việt Nam là một trong hai nước trên thế giới triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị những căn bệnh nguy hiểm.

Để 2 tỷ USD không theo chân người bệnh ra nước ngoài

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, trong những năm gần đây, chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện nhiều. Nhận thức của các cơ sở KCB đã có sự thay đổi, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người bệnh làm tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng dịch vụ. Nhiều bệnh viện đã dành nguồn lực đầu tư vào khoa học, công nghệ, quản trị bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhờ thế, dù ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thu hút hơn 8.000 bệnh nhân mỗi năm. Không chỉ có Vinmec, Bệnh viện Quân y 175 tại Hải Phòng cũng đã có hệ thống cấp cứu bằng trực thăng, ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế…

Thực hiện Quyết định số 648/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Quy hoạch có mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, từng bước hội nhập quốc tế. Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư 5 bệnh viện hạng đặc biệt thành bệnh viện hiện đại, nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

“Sự thay đổi này là cần thiết. Bởi người sử dụng dịch vụ y tế chính là người trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế. Nếu chúng ta tổ chức tốt, thấu cảm với người bệnh thì sẽ ngày càng có nhiều người bệnh đến thăm khám, điều trị”, ông Cường khẳng định. Tuy vậy, mỗi năm người Việt vẫn bỏ ra hơn 2 tỷ USD để KCB ở nước ngoài. “Để thu hút được người bệnh ở lại điều trị trong nước thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm”, ông Cường nhận định và cho rằng để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam KCB, cần đáp ứng được nhu cầu của họ. Điều bệnh nhân người nước ngoài cần là được chăm sóc y tế và phục vụ nhu cầu từ A đến Z, không cần người nhà đi kèm, giống như đang ở nước họ.

Ông Đào Khánh Tùng, chuyên gia chính sách y tế quốc tế cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện công, trao quyền tự quyết cho lãnh đạo bệnh viện, từ đó mới thúc đẩy các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ. “Cùng thực hiện một kỹ thuật tiên tiến, nhưng ở Mỹ có chi phí là 50 triệu đồng/ca, còn ở Việt Nam chỉ có định mức 500.000 đồng, rất khó để thúc đẩy nghiên cứu khoa học”, ông Tùng nói.

Theo EuroCham, Việt Nam cần rút ngắn quy trình cấp phép, áp dụng cơ chế tham chiếu, tự động gia hạn giấy đăng ký lưu hành... để tăng cơ hội tiếp cận sớm những thành tựu khoa học, thông tin lâm sàng của các loại biệt dược gốc, thiết bị y tế và các phương pháp điều trị tiên tiến nhất cho người bệnh.

Ông Mario Mendis, Chủ tịch Tiểu ban du lịch, nhà hàng và khách sạn của EuroCham cho biết, nhu cầu du lịch chữa bệnh đang ngày càng tăng, nhất là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh, du lịch hưu trí. Do đó, Việt Nam nên mở rộng chính sách miễn thị thực, visa cho tất cả các nước EU.

Một số chuyên gia đề xuất, Bộ Y tế cần tăng cường công nhận chứng chỉ hành nghề liên thông giữa các nước, tạo cơ chế cởi mở và linh hoạt hơn trong thu hút chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đến làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân nước khác đến KCB; hình thành nhiều điểm du lịch kết hợp với y tế, thu hút du khách chữa bệnh gắn với nghỉ dưỡng... Ngoài ra, có thể mời các tổ chức y tế uy tín trên thế giới đến mở cơ sở KCB; chú trọng nghiên cứu và triển khai nhiều công nghệ điều trị mới ngang tầm các nước phát triển… Đồng thời, cần chủ động quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới ra quốc tế.

Chuyên đề