Đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập.
Việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng. Ảnh: Gia Khoa
Việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng. Ảnh: Gia Khoa

Theo đó, việc xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở pháp lý và các cơ chế xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD. Tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD. Bảo đảm sự an toàn, phát triển bền vững cho toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung; bảo đảm các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Luật về xử lý nợ xấu sẽ kế thừa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các nội dung khác cho phù hợp với thực tiễn hoạt động xử lý nợ xấu, tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế...

Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật nêu một số điểm sửa đổi, bổ sung là: sửa đổi chính sách về quyền thu giữ tài sản không cần phải thỏa thuận trong hợp đồng; sửa đổi chính sách về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm; sửa đổi chính sách về việc xác định thời hạn khoản nợ là nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính.

Chuyên đề