Đầu tư gần 30 tỷ USD cho nguồn và lưới điện

Kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho nguồn và lưới điện là 600.000 tỷ đồng.
Công nhân điện lực Vĩnh Long đang kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: Tú Uyên (thanhnien.vn)
Công nhân điện lực Vĩnh Long đang kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: Tú Uyên (thanhnien.vn)

Trước đó, giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị khối lượng đầu tư của EVN đã đạt trên 492.000 tỷ đồng, gấp 2,42 lần so với giai đoạn 2006-2010. Như vậy, nếu kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 được hiện thực hoá, thì trong 10 năm (2011-2020), tổng vốn đầu tư mà EVN triển khai sẽ vượt qua con số 1 triệu tỷ đồng. 

Hiện nay, đầu tư hàng năm của EVN chiếm khoảng 8% tổng đầu tư của toàn xã hội. 

Ở thời điểm 31/12/2015, tổng công suất nguồn của hệ thống điện Việt Nam là 38.800 MW, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN, sau Indonesia. Xét trên bình diện thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 30 về tổng công suất nguồn điện. Trong tổng nguồn điện này, phần do EVN và các tổng công ty phát điện (Genco) mà EVN hiện đang sở hữu 100% vốn nắm giữ là 23.580 MW, chiếm 60,8% công suất của hệ thống.

Mục tiêu được EVN đặt ra vào năm 2020 là sản lượng điện thương phẩm đạt 234-240 tỷ kWh với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,5% - 11%.

Với tốc độ đầu tư trong 5 năm qua, ngành điện đã lần đầu tiên thực hiện được mục tiêu đi trước một bước về đáp ứng điện cho nền kinh tế và có dự phòng. Tuy nhiên, tổng công suất nguồn điện hiện có và công suất khả dụng (công suất có thể huy động được trên thực tế) vượt khoảng 25% so với nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay lại không chia đều ở các vùng miền. 

Tại miền Nam, vùng kinh tế năng động nhất cả nước, dự phòng cấp điện của hệ thống chỉ ở mức 6%. Thực tế này, theo Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, chỉ cần EVN chậm lại tốc độ đang đi, các nhà đầu tư ngoài EVN, các dự ánBOT không triển khai dự án điện đúng tiến độ, trong khi nền kinh tế tiếp tục phát triển và cần phải phát triển để đón những cơ hội đang mở ra, thì mức dự phòng công suất 6% cũng nhanh chóng không còn, đảm bảo điện cho miền Nam tiếp tục căng thẳng. 

Lo xa này không phải là thừa khi thực tế triển khai các dự án điện BOT có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động cho thấy, dù công bố công suất 720 MW của các nhà máy Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 hay 1.200 MW của Mông Dương 2, Hải Dương 2, Duyên Hải 2, nhưng cũng mất khoảng 10 năm kể từ khi được chỉ định phát triển dự án đến khi nhà máy vào phát điện thương mại mới đạt được. Trong khi đó, nhu cầu hiện nay của Việt Nam cần khoảng 5.000 MW – 6.000 MW vào vận hành mỗi năm. Thực tiễn này khiến Chính phủ phải giao EVN thực hiện nhiều công trình nguồn điện cấp bách trong giai đoạn 2011-2015, nhằm đảm bảo mục tiêu đủ điện cho nền kinh tế, từ đó thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở những lĩnh vực khác. 

Mặt khác, trong giai đoạn 2016-2020, các Genco1, 2, 3 mà EVN đang nắm 100% vốn điều lệ sẽ tiến hành cổ phần hoá và các cổ đông sẽ soi rất kỹ các chỉ tiêu tài chính, lợi nhuận. 

Theo ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN, việc cân bằng tài chính của các Genco là thách thức không nhỏ bởi lợi nhuận quá thấp, không đủ tích luỹ để tự đầu tư. Hiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Genco 2 là ở trong mức an toàn (quy định là 3), còn Genco 1 và Genco 3 đều lớn hơn 3. Nhưng, Genco 2 chỉ cần gánh việc đầu tư Nhà máy điện Bạc Liêu, hệ số này sẽ vọt ngay lên 6, còn Genco 3 nếu nhận thêm công trình Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 và Thái Bình 1 sẽ khiến hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên 10. “5 năm tới được EVN xem là giai đoạn hết sức khó khăn và đầy thử thách, không được phép chủ quan”, ông An nói. 

Mục tiêu được EVN đặt ra vào năm 2020 là sản lượng điện thương phẩm đạt 234-240 tỷ kWh với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,5% - 11%. 

Vấn đề năng suất chất lượng cũng được lên kế hoạch tăng bình quân hàng năm từ 8-10% và sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 2,5 triệu kWh/người lao động EVN vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu tăng năng suất lao động trong EVN, ông An cho hay, sẽ đưa nhiều phần công việc hiện các đơn vị trong EVN đang tự đảm trách ra thuê ngoài, tạo thị trường dịch vụ để các thành phần kinh tế khác cũng tham gia, đồng thời đưa công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin vào áp dụng để giảm lao động trực tiếp. 

EVN cũng đặt mục tiêu giảm chỉ số thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (SAIDI) từ 2.100 phút/khách hàng/năm hiện nay - thuộc top 7 ASEAN,  xuống còn 400 phút/khách hàng/năm vào năm 2020 và nằm trong top 4 ASEAN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư