EVN hoàn thành thoái, giảm vốn khỏi bất động sản, chứng khoán

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm này Công ty mẹ - EVN đã hoàn thành thoái vốn tại 7 công ty, đạt 100% giá trị vốn thoái/giảm trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo hội nghị Tổng kết năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo hội nghị Tổng kết năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo tại Hội nghị "Tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016" do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội, ông Tri nhấn mạnh, năm 2015 Công ty mẹ (EVN) và 9 Tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch. Riêng vốn điều lệ của Công ty mẹ đến hết ngày 31/12/2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010.

Đáng chú ý, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014, hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng. 

"Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đều đảm bảo an toàn," ông Tri nói. 

Tính đến hết năm 2015, EVN đã đưa điện về 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn. Trong đó khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện, khu vực các tỉnh Tây Nguyên đạt 99,83% số xã và 95,8% số dân; khu vực Tây Nam Bộ là 98,85% số xã có điện. 

Ông Đinh Quang Tri cho biết, tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2015 đã giảm 0,43% so với năm 2014 và năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 10% so với năm ngoái, đạt 1,54 triệu kWh/người. 

Về tình hình cung cấp điện, theo lãnh đạo EVN, năm 2016, điện sản xuất và mua ngoài của EVN có thể lên tới 175,9 tỷ kWh, tăng 10,35% so với năm 2015; trong đó điện sản xuất là 81,9 tỷ kWh, điện mua là 93,98 tỷ kWh. 

Do vậy, để tiếp tục đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong năm và những tháng mùa khô năm 2016 tập đoàn sẽ khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện, đồng thời có kế hoạch để huy động các tổ máy nhiệt điện than cũng như đảm bảo yêu cầu cao nhất là đủ điện. 

Ngoài ra, EVN cũng đưa ra phương án nhập từ Trung Quốc khoảng 1,2 tỷ kWh và mua từ Lào 1,54 tỷ kWh để có thêm nguồn điện dự phòng. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua có đóng góp lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó đáng chú ý là không còn tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dù chỉ còn chiếm 40% sản lượng điện cả nước và xu hướng xã hội hóa đầu tư tăng lên, nhưng thời gian tới EVN vẫn là tập đoàn nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực điện năng. 

Đồng thời, EVN phải đi đầu trong phát triển năng lượng mới và tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời cũng như đẩy mạnh các giải pháp quản trị và nâng cao hiệu quả đầu tư đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Trong lĩnh vực điện hạt nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN nghiên cứu và có giải pháp tốt nhất trong việc vận hành và phát điện cũng như chuẩn bị đủ nguồn nhân lực có thể tiếp nhận và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trên thế giới. 

"EVN cần đẩy mạnh việc tiết kiệm điện và giảm tỷ lệ tổn thất điện năng qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng," Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chốt lại./.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư