Đâu là nguyên nhân sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa tại TP.HCM?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở một số dự án tại TP.HCM đã bộc lộ nhiều sai phạm. Điều này đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện. Một số dự án "đình đám" được chỉ ra trong kết luận thanh tra lần này có thể kể đến là "khu đất vàng" 14-16-18 Nguyễn Huệ; 117- 119-121 Nguyễn Huệ; 16 Tôn Thất Thiệp; dự án ở số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo (Quận 1).
Dự án ở số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1 do Tập đoàn Vạn Thịnh phát làm chủ đầu tư đang dính đến nhiều sai phạm. Ảnh: Internet
Dự án ở số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1 do Tập đoàn Vạn Thịnh phát làm chủ đầu tư đang dính đến nhiều sai phạm. Ảnh: Internet

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất không đúng quy định

Dựa trên thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, có thể thấy, ba nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở một số dự án tại TP.HCM chủ yếu xoay quanh việc lựa chọn nhà đầu tư; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; và việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, các sở, ngành liên quan đã tham mưu, UBND TP.HCM quyết định chỉ định chủ đầu tư, phê duyệt dự án, chuyển mục đích sử dụng nhà, đất tại một số vị trí được thanh tra thuộc đối tượng phải đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất không đúng các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và quản lý tài sản.

Tương tự, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đơn vị Tư vấn xác định giá, Hội đồng Thẩm định giá đất và UBND TP.HCM tính toán, thẩm định và phê duyệt tiền sử dụng đất, đã sử dụng thông tin về giá các vị trí đất làm tài sản so sánh nhưng hầu hết chưa có giao dịch chuyển nhượng thành công trên thị trường, là vi phạm quy định về xác định giá đất tại một số vị trí.

Cùng với đó là lập, thẩm định và phê duyệt giá khi chưa có quyết định giao đất; tính thiếu doanh thu đối với diện tích bãi giữ xe; phê duyệt suất đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật không đúng quy định; áp dụng đơn giá cho thuê thấp nhất thay đơn giá cho thuê bình quân.

Chưa kể, một số dự án đầu tư được điều chỉnh quy hoạch 1/500 sau khi đã xác định tiền sử dụng đất, trong đó, nhiều chỉ tiêu quỵ hoạch cơ bản được thay đổi, làm tăng giá trị đất, nhưng UBND TP.HCM không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo quy định. Điều này dẫn đến nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước. Một số dự án chậm nộp tiền sử dụng đất chưa được xử lý phạt chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Riêng việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, một số chủ đầu tư đang thuê nhà, đất trả tiền hàng năm nhưng không sử dụng đúng mục đích mà tự ý góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh, cho thuê lại nhà, đất, ký hợp đồng chuyển nhượng không đúng quy định nhưng vẫn được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất.

Sau khi được giao đất, một số chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án, để đất trống trong thời gian dài nhưng UBND TP.HCM không có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, cấp giấy phép xây dựng khi chưa được giao đất tại một số dự án...

Chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật

Thanh tra Chính phủ cho biết, nguyên nhân và trách nhiệm trước hết thuộc lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP.HCM và các cá nhân liên quan chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng.

Cụ thể, việc thực hiện chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án không đúng quy định; xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định; quản lý đầu tư, xây dựng thiếu chặt chẽ, có nơi bị buông lỏng, tình trạng vi phạm quy hoạch, vi phạm giấy phép xây dựng còn diễn ra nhưng chưa được kiểm tra và xử lý kịp thời... Hậu quả là, nhiều dự án không hoặc kém hiệu quả, chậm tiến độ...

Đối với các bộ, ngành liên quan chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập về cơ chế quản lý trong công tác quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM kiểm tra, rà soát các dự án đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra để có biện pháp xử lý kịp thời, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Giao Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật đối với dự án ở số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1 do Tập đoàn Vạn Thịnh phát làm chủ đầu tư...

Đối với UBND TP.HCM, chỉ đạo các sở liên quan và các đơn vị trực thuộc rà soát, tổng hợp những hạn chế, tồn tại, bất cập của các cơ chế, chính sách, quy trình và quy định của UBND TP.HCM trong việc xác định giá cho thuê, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, xác định nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, ký hợp đồng thuê đất đối với đất giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng, thực hiện dự án... kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định để kịp thời tháo gỡ những vướng măc, tồn tại trong quá trình thực hiện quản lý đât đai và đầu tư xây dựng...

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến các vi phạm trong việc chỉ định các nhà đầu tư dự án không qua đấu giá được phát hiện qua thanh tra. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về xử lý kinh tế, tổng số tiền và nhà, đất qua thanh tra phát hiện cần kiến nghị xử lý là 2.054,23 tỷ đồng; 6.037.829,5 USD và 463.964,24 m2 đất. Trong đó, thu hồi về ngân sách nhà nước 17,629 tỷ đồng; UBND TP.HCM chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2.036,601 tỷ đồng, 6.037.829,5 USD và 463.964,24 m2 đất.

Đối với các vị trí đất công, chỉ đạo UBND TP.HCM, thực hiện rà soát, xem xét để xử lý theo quy định đối với các địa chỉ nhà, đất được chuyển mục đích sử dụng có vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó, cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xem xét, xử lý đối với một số dự án theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật, như các dự án tại: 14-16-18 Nguyễn Huệ; 117- 119-121 Nguyễn Huệ và 16 Tôn Thất Thiệp (Quận 1).

Đặc biệt, giao cho Thanh tra TP.HCM thanh tra việc thực hiện quản lý, sử dụng đối với 53 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã và đang giao cho các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM quản lý. Phải báo cáo kết quả cho Thủ tướng trong Quý III năm 2021.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư