Dấu hiệu huy động vốn trái phép tại Dự án Louis City Hoàng Mai?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định pháp luật, dự án chưa hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước, đường giao thông chưa được phép mở bán. Thế nhưng, các lô đất tại Dự án Louis City Hoàng Mai, do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư, đã bán gần hết cho khách hàng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chưa xây xong hạ tầng nhưng bán gần hết Dự án? 

Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, tên gọi thương mại là Louis City Hoàng Mai được giới thiệu nằm ở vị trí đắc địa của thủ đô Hà Nội, với chuỗi tiện ích đẳng cấp... Chính vì nằm ở vị trí vàng nên giá mỗi mét vuông được định ở “trên trời” 80 - 90 triệu đồng/m2, nhà đầu tư có thể lãi ngay 1 tỷ đồng một căn ngay sau khi xuống tiền. 

Điều đáng nói, theo tìm hiểu, dù Dự án chưa đủ điều kiện mở bán chính thức khi chưa hoàn thiện hạ tầng, đường giao thông, song Chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán với nhiều khách hàng. 

Trong vai một nhà đầu tư nhỏ lẻ, người viết được nhân viên môi giới của Cenland (thuộc Tập đoàn Cen Group) tiết lộ, giai đoạn 1 của Dự án đã mở bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ từ tháng 3/2020. Cenland đã mua 103 căn biệt thự, liền kề, sau đó bán lại cho khách hàng với giá không đổi so với hợp đồng. Nữ nhân viên này cũng thừa nhận về thủ tục pháp lý hiện còn thiếu biên bản nghiệm thu hạ tầng. 

Khảo sát thực địa cho thấy, toàn bộ Dự án Louis City Hoàng Mai hiện tại mới chỉ là một mảnh đất trống. Khuôn viên khu đất được giới thiệu là giai đoạn 1 của Dự án cũng vẫn chỉ một bãi đất đã được san phẳng, cùng những con đường mới được rải nhựa. 

Trong khi hạ tầng chưa được hoàn thiện, Dự án đã được chào bán suất đầu tư, ký hợp đồng mua bán khiến giới đầu tư bày tỏ lo ngại về năng lực tài chính của Chủ đầu tư thực sự có vấn đề. 

“Nếu không phải năng lực tài chính yếu kém thì lý do gì để Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai bất chấp pháp luật, dù chưa hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã phân lô bán nền, thu tiền gần hết của khách hàng?”, một nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu trên thị trường lo ngại rủi ro pháp lý.

Sai phạm nối tiếp sai phạm 

Năm 2011, Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ được UBND TP. Hà Nội chấp thuận giao Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc đền bù với một số hộ dân tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ, Dự án bị chậm tiến độ, “đứng im” trong nhiều năm. 

Đến năm 2017, UBND TP. Hà Nội đồng ý cho UDIC hợp tác đầu tư với 2 công ty khác có liên quan với Tập đoàn Lã Vọng là Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis, thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để tiếp tục triển khai, hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án. 

Tại thời điểm thành lập, UDIC nắm 15% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai. Đến tháng 2/2018, 2 doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng đồng loạt rút vốn nên cơ cấu cổ đông hiện tại chỉ còn lại UDIC. 

Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn khẳng định, với các dự án nhà phân lô, thì chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng mới được phép rao bán, theo quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Với việc chào mời mua nhà tại Dự án Louis City Hoàng Mai như trên, Luật sư Tuấn cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật. 

“Khách hàng đầu tư bất động sản cần hết sức thận trọng, bởi họ không được bảm đảm về mặt pháp lý nếu có rắc rối hoặc tranh chấp xảy ra. Đặc biệt sau dịch Covid-19, kinh tế chưa phục hồi, đầu tư vào các dự án chưa đủ cơ sở pháp lý là điều không nên làm”, ông Tuấn nhận xét. 

Trước đó, đầu năm 2020, trong kết luận thanh tra các dự án của Tập đoàn Lã Vọng, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Dự án này. Chẳng hạn như, năm 2011, UBND TP. Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư Dự án không thông qua đấu thầu là thực hiện không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 90 của Chính phủ.  

“Năm 2017, Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân; đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quỹ đất 20% của Dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến chủ trương của Thành phố về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội là trái với quy định của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ. 

Chuyên đề