Khu đất Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương là “đất vàng” nằm ở trung tâm TP. Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Tuấn |
2 lần đấu giá thất bại do tổ chức đấu giá sai phạm
Quyền sử dụng đất (đợt 1) Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương (Mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND TP. Thanh Hóa) được phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá từ năm 2017. Đây là mặt bằng "đất vàng" nằm giữa trung tâm TP. Thanh Hóa, có diện tích gần 58.000 m2 được chia ra thành 375 lô đất, trong đó có 200 lô đất liền kề và 175 lô biệt thự. Năm 2018, UBND TP. Thanh Hóa đã 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất (đợt 1) tại Dự án.
Cụ thể, ngày 22/1/2018, Công ty CP Nakama Việt Nam được thông báo trúng đấu giá với mức giá gần 438 tỷ đồng (cao hơn giá sàn gần 4 tỷ đồng). Phiên đấu giá do Công ty Bán đấu giá tài sản Năm Châu thực hiện. Tuy nhiên, kết quả này gây nhiều bức xúc trong dư luận về giá đất cũng như cách tổ chức đấu giá, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xác minh quá trình tổ chức bán đấu giá, phát hiện có nhiều vi phạm trong triển khai thực hiện. Phiên đấu giá này sau đó bị Sở Tư pháp Thanh Hoá kết luận vi phạm hồ sơ, thủ tục đấu giá và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Vào tháng 9/2018, 375 lô “đất vàng” được đưa ra đấu giá lần 2 do Công ty Đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên thực hiện. Lúc này, Công ty CP Nakama Việt Nam đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ADI, liên danh với Công ty CP Bất động sản Đại Lộc để trở thành một trong 4 nhà đầu tư được tham gia đấu giá.
Tại phiên đấu giá lần 2, có nhiều nghi vấn về dàn xếp, thông đồng trong đấu giá tài sản đã được đặt ra như: đơn vị tổ chức bán đấu giá đã nhiều lần lùi lịch đấu giá và loại 15/19 nhà đầu tư có tiềm lực từ vòng thẩm định hồ sơ với những lý do khó hiểu; mối quan hệ giữa 4 nhà đầu tư lọt vào vòng trong cũng làm dấy lên nhiều nghi vấn “quân xanh, quân đỏ”.
Ngày 6/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 9598/QĐ-UBND hủy bỏ việc chỉ định đơn vị đấu giá do đơn vị tổ chức đấu giá lần 2 ban hành quy chế đấu giá không đúng với nội dung yêu cầu.
“Chọn mặt gửi vàng”
Sau một thời gian "im hơi lặng tiếng", đến ngày 12/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt phương án đấu giá lần 3 cho khu "đất vàng" này, và đơn vị được lựa chọn tổ chức đấu giá là Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa.
Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, giá khởi điểm của khu đất là 666,4 tỷ đồng. Được biết, tổng mức đầu tư của Dự án (bao gồm giá khởi điểm quyền sử dụng đất và khái toán tổng mức đầu tư phần xây nhà thô) lên tới 1.181,887 tỷ đồng.
Dự án được đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp theo từng vòng, liên tục cho đến khi không còn người yêu cầu đấu giá tiếp; phương thức trả giá lên. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, thương vụ "đất vàng" nhiều tai tiếng này tại Thanh Hóa đã tăng giá khởi điểm đáng kể sau 3 lần đấu giá được phê duyệt. Cụ thể, lần thứ nhất giá khởi điểm của tài sản là 434 tỷ đồng, lần thứ hai là 521 tỷ đồng. Tại lần đấu giá thứ 3 do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện, giá khởi điểm đã tăng 232,4 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên diễn ra cách đây hơn 1 năm.
Chưa rõ các nhà đầu tư cũ còn quan tâm tới khu “đất vàng” này hay không, nhưng dư luận đang dồn sự quan tâm tới tính công khai, minh bạch của phiên đấu giá sắp được Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức.