Dấu ấn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các bản quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến nay, nước ta đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, đặc biệt đã hoàn thành thẩm định 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó Thủ tướng đã phê duyệt 50/63 quy hoạch tỉnh.
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia hàng đầu cả nước, đô thị thông minh với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia hàng đầu cả nước, đô thị thông minh với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong các bản quy hoạch, các địa phương đều khẳng định quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Quan điểm này được cụ thể hóa thành phương án phát triển các ngành kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả, gắn với thế mạnh của từng vùng, từng địa phương…

Từ tầm nhìn quốc gia…

Ngày 9/1/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Tại bản Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG), một trong những nội dung quan trọng và xuyên suốt là định hướng “Phát triển mạnh mẽ KHCN và ĐMST nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Theo đó, QHTTQG xác định gắn KHCN với ĐMST để có đóng góp thiết thực, giá trị cao cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến làm chủ công nghệ. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm...

QHTTQG đặt mục tiêu hình thành các cụm liên kết ĐMST trên cơ sở liên kết các tổ chức KHCN với các khu công nghệ cao, công viên công nghệ, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức nghiên cứu nước ngoài... Đối với các ngành kinh tế quan trọng, QHTTQG xác định quan điểm, định hướng gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao hàm lượng, giá trị đóng góp của KHCN trong quá trình phát triển.

Từ QHTTQG, hàng loạt quy hoạch cấp vùng cũng chọn phát triển KHCN và ĐMST làm động lực để xây dựng tương lai tăng trưởng bền vững. Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng nêu rõ định hướng phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của vùng, ưu tiên phát triển có trọng tâm đối với một số ngành mũi nhọn có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ xác định con đường thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đây là những định hướng căn bản để vùng Đông Nam Bộ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, đồng thời thực hiện vai trò đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng.

… đến tư duy chọn con đường phát triển từng tỉnh, thành

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cả nước có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, trong đó có 73 quy hoạch đã phê duyệt; 7 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt; 23 quy hoạch đã thẩm định xong, đang hoàn thiện; 6 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định. Từ tầm nhìn QHTTQG, các tỉnh, thành đều chọn tăng cường ứng dụng KHCN và ĐMST làm giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng năng lực cạnh tranh riêng biệt gắn với lợi thế địa phương.

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Bắc Ninh vạch con đường thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN, hệ sinh thái ĐMST; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Bắc Ninh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ĐMST tại nơi này.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đưa ra mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị.

Với TP. Hà Nội, địa phương này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. GS. TS. Hoàng Văn Cường, đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch kiến nghị, Quy hoạch Thủ đô cần xác định phát triển KHCN và ĐMST là nhân tố quyết định, là nền tảng chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời là đột phá chiến lược để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia hàng đầu cả nước; trở thành đô thị thông minh với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng Thành phố ĐMST Hòa Lạc.

Về nguồn lực để phát triển KHCN ở cấp địa phương, các quy hoạch đều nhấn mạnh giải pháp tăng cường đầu tư kinh phí, phấn đấu đạt mức 2% tổng chi ngân sách địa phương dành cho hoạt động này. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển KHCN và ĐMST. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp trong các giai đoạn từ ý tưởng, nhu cầu nghiên cứu, cho đến triển khai, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu...

Một số chuyên gia cho rằng, ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, KHCN và ĐMST cần gắn kết chặt với sản xuất, phục vụ sản xuất nhằm nâng cao đời sống người dân. Dù khoản đầu tư cho KHCN và ĐMST tại nước ta còn hạn chế, nhưng khi từng vùng, từng địa phương chung một tầm nhìn và chọn KHCN và ĐMST để xây dựng và lan tỏa lợi thế địa phương, chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho mục tiêu tăng sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Chuyên đề