Đất Đông Anh hết "sốt", qua thời 15 người ngồi quán cà phê thì có 10 "cò"

0:00 / 0:00
0:00
Thời điểm "sốt" đất Đông Anh, Hà Nội, các quán cà phê quanh các dự án luôn chật cứng khách ngồi. Còn hiện giờ, mọi thứ đìu hiu hơn, song giá vẫn chưa chịu giảm.

Cũng như các khu vực khác ở Hà Nội, bất động sản tại Đông Anh hiện trầm lắng do tác động của dịch bệnh. Giao dịch gần như đóng băng. Giá đất tại Đông Anh nhiều khu vực vẫn đang đi ngang nhưng chưa có dấu hiệu xả hàng.

Giá đất Đông Anh hiện đi ngang

Giá đất Đông Anh hiện đi ngang

Anh H.C.Đ. (Long Biên, Hà Nội) chuyên đầu tư đất tại Đông Anh cho biết, dịch bệnh là một phần nguyên nhân khiến các giao dịch trầm lắng. Anh Đ. cho biết trước đây, môi giới thường tập trung ở các quán cà phê. Quán có 15 khách thì có đến 10-11 người là "cò" đất. Giao dịch cũng chủ yếu được thực hiện tại các quán cà phê này. Còn hiện tại, bên cạnh cung cầu, việc môi giới không còn tụ tập để "thổi" giá cũng được cho là nguyên nhân khiến cho giá đất tại Đông Anh đi ngang, không còn "sốt".

"Trước, môi giới trao đổi thông tin nhiều khiến cho những người ngồi trong quán cũng cảm giác cơn "sốt" đất đang ở ngay cạnh", anh Đ. nói và thông tin thêm, nhiều người ngồi uống cà phê cũng nghe ngóng được thông tin giá cả đất đai rồi truyền miệng khắp nơi khiến giá đất nhiều khu vực "sốt" theo.

Đơn cử, một khu vực giãn dân của người dân được đền bù để làm cầu Tứ Liên còn hoang vu, đất mới được chia ô, chưa có hạ tầng song nhờ đồn thổi mà có mức đấu giá lên tới 80 triệu đồng/m2. Trong khi thực tế, nếu xét vị trí và hạ tầng thì giá chỉ 40-50 triệu đồng/m2.

Còn anh N. X. Trường (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) kể, không ít lần anh gặp cảnh các môi giới vây lấy khách "thổi" giá. Từ bàn này, khách có thể nghe được các thông tin giao dịch từ bàn khác. Nhưng anh Trường cho biết, khi khách ra về thì các môi giới ở 2 bàn lại sang ngồi cùng với nhau.

Ngoài ra, theo anh Trường, đất không thuộc dự án cũng có giá không quá cao, có nơi chỉ khoảng 33 - 34 triệu đồng/m2. Nhưng tại quán cà phê, không ít môi giới đã "thổi" giá lên không dưới 40 triệu đồng/m2.

Cách đây 5 tháng, giá đất tại các khu đô thị được quy hoạch ở thị trấn Đông Anh phổ biến 110 - 140 triệu đồng/m2. Trong các làng, xã, giá đất dao động 30-35 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại các làng gần khu vực quy hoạch làm cầu Tứ Liên, nếu ô tô vào được, giá đất cũng không dưới 40 triệu đồng/m2.

Theo một môi giới đất Đông Anh tên Trần Thắng (Long Biên, Hà Nội), giá đất Đông Anh hiện không tăng nhưng không có giao dịch nên cũng chưa ghi nhận giảm giá. Dân đầu cơ đất Đông Anh vẫn trong trạng thái cầm cự, chưa chịu xả hàng.

Nguyên nhân, theo anh Thắng, là dân đầu cơ tại khu vực này rất nhiều "tay to", họ không quá quan tâm tới chuyện giá lên xuống. Có những người nắm giữ 4-5 mảnh đất trên cùng một dự án. Mỗi mét vuông đất ở các dự án đó đều có giá 150 triệu đồng, tính ra tổng giá trị nắm giữ lên tới 60 tỷ đồng.

Nhiều khu vực giá lên cao ngất nhưng xung quanh vẫn vắng vẻ

Nhiều khu vực giá lên cao ngất nhưng xung quanh vẫn vắng vẻ

Thậm chí, theo người môi giới này, trong các phiên đấu giá đất, dù giá khởi điểm 85 triệu đồng/m2 đã rất cao, không ít người vẫn để sẵn giá mua 120 triệu đồng/m2. "Mức giá "khủng" này để không ai có thể chen chân vào", anh Thắng nói.

Nhận định về cơn "sốt" bất động sản vùng ven vẫn chưa thực sự lắng xuống, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng, các dự án ở ngoại thành đã được đẩy giá lên hơn trăm triệu đồng/m2, bằng khu vực nội thành. "Tại sao phải mua đất Đông Anh 140-150 triệu đồng/m2, ngang Mỹ Đình, trong khi hạ tầng không có gì, tính hấp thụ không có", chuyên gia này đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Đính, cơn "sốt" đất thời gian tới sẽ "xẹp" ở phân khúc đất mua bán đất vườn đồi, đất canh tác phân lô. Trước đây, không ít nhà đầu tư kém hiểu biết về pháp luật tham gia vào thị trường này gây ra sự hỗn loạn và có hệ quả không tốt. Thế nhưng, khi Nhà nước vào cuộc kiểm soát các hoạt động này thì chính họ lại là những người chịu hậu quả nặng nề.

Chuyên đề