Đáo hạn trái phiếu DN bất động sản: Cần minh bạch và sòng phẳng để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã được cụ thể hóa bởi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 do Chính phủ vừa mới ban hành. Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng đầu quý IV/2023, Chính phủ cần sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nghị định này.
Về lâu dài, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, đòi hỏi các doanh nghiệp phải minh bạch và sòng phẳng, chứ không thể phát hành trái phiếu theo kiểu “lùa gà”. Ảnh: Bảo Tín
Về lâu dài, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, đòi hỏi các doanh nghiệp phải minh bạch và sòng phẳng, chứ không thể phát hành trái phiếu theo kiểu “lùa gà”. Ảnh: Bảo Tín

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố mới đây cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023 - 2024 là rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng.

Chưa bàn đến khoản trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, trước mắt, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được đánh giá có tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023, vốn được ví như một "quả bom" nổ chậm vừa được tháo ngòi.

Song, mấu chốt còn nằm ở chỗ, việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các "trái chủ" với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận, mà đã đàm phán tất sẽ tốn nhiều thời gian để doanh nghiệp đạt được kỳ vọng với các "trái chủ", không loại trừ vẫn có thể có trường hợp bất thành, trong khi khoảng 119.000 tỷ đồng đáo hạn trong năm 2023 hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện.

Chia sẻ về vấn đề này, một chủ đầu tư địa ốc cho hay, cũng như nhiều lĩnh vực khác, đây là lúc các doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền, nhất là tích cực tham gia Chương trình phát triển một triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm đến nay, giữa tâm bão khủng hoảng tài chính, cùng với việc tái cấu trúc toàn diện, một số chủ đầu tư bất động sản đã đẩy mạnh khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận "bán lỗ để cắt lỗ", để có dòng tiền, có thanh khoản và bước đầu bình phục trở lại. Trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, để "tồn tại trước đã" rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại là cần thiết.

Tuy nhiên, liên quan đến thỏa thuận "hàng đổi hàng", nhiều khách hàng và kể cả giới quan sát cho rằng, khả năng "trái chủ" chọn phương thức này là không cao, bởi lẽ, lâu nay giá cả của các sản phẩm bất động sản được đẩy giá rất cao, và chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp. Nếu hoán đổi xong mà không đưa vào khai thác hoặc sử dụng rồi để không thì tài sản đó lại trở thành một gánh nặng.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định, việc đàm phán nếu được cả hai bên thực hiện với sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác sẽ là phương thức tối ưu, như những người đang cùng nhau "chèo chống trên cùng một con thuyền để vượt qua phong ba bão táp".

"Nếu làm tốt thì tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong năm 2024 là khoảng 111.000 tỷ đồng sẽ có một tiền đề tốt, còn nếu không tốt thì đương nhiên sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vào khoảng đầu quý IV/2023 để đúc rút kinh nghiệm", ông Châu cho biết.

Một chuyên gia chứng khoán yêu cầu không nêu tên bình luận, thời gian qua, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đã mất niềm tin rất nhiều đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cho nên, nghị định nói trên là cứu cánh cho những vướng mắc và khó khăn trước mắt, còn về lâu dài, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, đòi hỏi các doanh nghiệp phải minh bạch và sòng phẳng, chứ không thể phát hành trái phiếu theo kiểu "lùa gà".

Chuyên đề