Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực thi quy định về PCCC tiếp tục thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ảnh: QH) |
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn ĐBQH Bình Dương) nhấn mạnh, hiện nay “sức khỏe” của các DN chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong kiển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho DN, trong đó có quy định liên quan đến PCCC tại Quy chuẩn 06 năm 2022 của Bộ Xây dựng.
Bà Trân cho biết, phê duyệt về PCCC là một trong những yêu cầu pháp lý bắt buộc để các đối tác nước ngoài xem xét, đánh giá năng lực của DN trước khi ký hợp đồng đặt hàng. Tuy nhiên, hiện tại nhiều DN đã gửi hồ sơ để được phê duyệt PCCC nhưng qua nhiều tháng vẫn chưa được phê duyệt. “Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động khi DN không ký kết được hợp đồng”, bà Trân phản ánh.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn ĐBQH Phú Thọ) cho hay, thời gian qua, không ít DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn, đình trệ hoạt động do những vướng mắc liên quan việc thực hiện Quy chuẩn 06 năm 2022. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, để tháo gỡ vấn đề này, đầu tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Tuy nhiên, đến nay, việc tháo gỡ còn chậm, nhiều DN chưa thể quay lại sản xuất, kinh doanh.
Chung mối quan tâm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chỉ ra, qua nghiên cứu, những quy định mới về PCCC đang gây khó khăn cho DN thực hiện, làm phát sinh thêm kinh phí, vật liệu nên có thể nhiều DN sẽ phải đóng cửa.
Từ thực trạng đó, các ĐBQH đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần quyết liệt thực hiện công điện nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, sớm rà soát, sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến PCCC cho phù hợp với thực tiễn.
“Các cơ quan chức năng phải thống nhất trong hướng dẫn quy định cụ thể về các vật tư xây dựng liên quan PCCC phải phù hợp, hợp lý với đặc điểm hoạt động của DN, tránh gây thiệt hại thêm chi phí cho DN. Quy định mới về PCCC cần tính toán để không phát sinh chi phí cho DN. Bên cạnh đó, cần quy định ngành nghề nào phải có quy định chặt chẽ về PCCC”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị.
Bổ sung thêm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh, khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và DN. Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ…
Nhìn nhận về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về PCCC nêu trên, phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng tương đối đầy đủ, hoàn thiện. "Thực tế, nhiều sai phạm xảy ra không phải do pháp luật, mà do yếu tố chủ quan từ con người. PCCC cũng có quy định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, điểm khiếm khuyết là mỗi khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, thì thường có luồng ý kiến, quan điểm rằng nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét.
Vì thế, ông Nghĩa cho rằng, cần phân tích nguyên nhân từ con người, để có giải pháp căn cơ cho các vấn đề hiện nay, bởi “nếu không sẽ có vô số vòng kim cô làm khó DN, người dân”.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn ĐBQH TP.HCM) thì cho rằng, thực tế cho thấy việc xây dựng, ban hành thông tư còn một số tồn tại nhất định thể hiện như: một số văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; nội dung chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên; hướng dẫn sai nguyên tắc và vượt phạm vi… Vì vậy, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, cần phải giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, thấu đáo, bởi nếu không sẽ gây ảnh hưởng không tốt công tác quản lý điều hành, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời gây thêm phiền hà cho người dân, DN.
Tiếp thu, làm rõ thêm vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các nội dung ý kiến phản ảnh khác liên quan đến Quy chuẩn 06 đã được Bộ tổng hợp, có ý kiến tiếp thu, giải trình, hướng dẫn cụ thể và đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
“Bộ Xây dựng trân trọng lắng nghe, cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Quy chuẩn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cam kết.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có quyết định giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học, công nghệ xây dựng, rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 năm 2022 đáp ứng yêu cầu về PCCC nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên cơ sở khoa học có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện của Việt Nam. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, biên soạn tài liệu hướng dẫn để hiểu và áp dụng quy chuẩn phù hợp.