Cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, giải quyết việc làm cho người lao động, là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, sức cầu yếu, “sức khỏe” của cộng đồng DN Việt cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế này đòi hỏi phải nhanh chóng thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển.
Nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam phải đối mặt với tình lạm phát cao, sức cầu yếu… khiến đơn hàng xuất khẩu giảm rõ rệt trong quý I/2023. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam phải đối mặt với tình lạm phát cao, sức cầu yếu… khiến đơn hàng xuất khẩu giảm rõ rệt trong quý I/2023. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp rút lui lớn hơn số thành lập mới

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã có hơn 880.000 DN. Lực lượng này ngày càng lớn mạnh cả về số và chất lượng, trở thành nòng cốt của nền kinh tế với những đóng góp lớn cho tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động…

Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới như: đại dịch Covid-19 kéo dài, xung đột quân sự Nga -Ukraine, lạm phát cao ở nhiều nước đã bào mòn “sức khỏe” của DN Việt Nam.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhớ lại, từ quý III, quý IV năm ngoái, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu khó khăn, giống như cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ bông nhưng bên trên là bầu trời giông tố. Vì thế, ông Hiếu không quá bất ngờ với việc số DN rút lui khỏi thị trường (60.240 DN) cao hơn số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường (56.946 DN) trong quý I năm nay. “DN đang rất khó khăn về vốn, đơn hàng, chi phí duy trì sản xuất, kinh doanh và cả những khó khăn về thể chế…”, ông Hiếu nhìn nhận.

TS. Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp về khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích, ở bên ngoài, các nền kinh tế lớn, trong đó có nhiều đối tác lớn của Việt Nam phải đối mặt với tình lạm phát cao, sức mua giảm… khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu của DN Việt Nam giảm rõ rệt trong quý I/2023. Cùng với đó, sự cạnh tranh từ các nền kinh tế tương đồng ngày càng gay gắt cũng khiến DN Việt Nam giảm đơn hàng.

Ở trong nước, sau 2 năm căng mình chống dịch bệnh Covid-19, chi phí đầu vào tăng, lãi suất cao..., nhiều DN khó khăn về tài chính. Trong khi đó, thị trường trái phiếu DN ách tắc, thị trường bất động sản gần như đóng băng, lan rộng khó khăn đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.

“Tất cả những khó khăn đó đã buộc DN, nhất là những DN nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh kém phải rút lui khỏi thị trường”, ông Vinh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, khó khăn, thách thức của thị trường không chỉ khiến DN nhỏ và vừa teo tóp mà ngay cả những tập đoàn lớn, những DN đầu ngành cũng vô cùng chật vật.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, quý I thị trường hết sức trầm lắng, sức mua giảm, tồn kho của các nhãn hàng tăng cao; nhiều đơn vị thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ. Vinatex phải thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm, giảm chi phí.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - một trong những DN xây dựng lớn nhất của Việt Nam đang lâm vào cảnh nợ nần, phải trả nợ bằng tài sản. Như Chủ tịch Tập đoàn Lê Viết Hải chia sẻ, đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có trong suốt 36 năm hoạt động của Hòa Bình. Đặc biệt, gần đây, một số nhà thầu phụ thi công các dự án mà Hòa Bình làm tổng thầu đã có văn bản thông báo sẽ tạm dừng thi công nếu không được thanh toán…

Cần hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời cho doanh nghiệp

Về triển vọng phát triển của DN Việt Nam thời gian tới, giới chuyên gia kinh tế nhận định, khó khăn có thể còn kéo dài, ít nhất là hết quý II/2023. Vì thế, làm thế nào để nhanh chóng hỗ trợ DN trụ lại thương trường là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay.

Theo ông Phan Đức Hiếu, đầu tiên cần xác định rõ DN đang gặp những khó khăn gì, phân theo từng loại khó khăn với từng nhóm đối tượng. Từ đó tính toán giải pháp và nguồn lực thực hiện trên tinh thần hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, song vẫn bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc thị trường.

“Cần thêm giải pháp hỗ trợ DN bên cạnh những giải pháp đang thực hiện. Ví dụ, có thể hỗ trợ DN theo đơn hàng thay vì hỗ trợ theo chủ thể cào bằng”, ông Hiếu gợi ý. Theo hướng này, DN có đơn hàng xuất khẩu nhưng đang gặp khó về vốn có thể được Chính phủ hỗ trợ vốn, hoặc chi phí vận chuyển cho đơn hàng đó. Giải pháp này vừa giải quyết được khó khăn cho DN mà vẫn bảo đảm việc hỗ trợ một cách minh bạch, công bằng, không đưa nguồn lực vào DN không có khả năng tồn tại hoặc không phù hợp.

Đối với vướng mắc về pháp lý, theo kinh nghiệm của một số quốc gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, họ có sáng kiến tạm hoãn thi hành một số quy định khó khăn cho DN. Đây cũng là giải pháp mà Việt Nam có thể cân nhắc xem xét.

Ông Đặng Quang Vinh cho rằng, vướng mắc pháp lý và vốn là 2 điểm nghẽn cần được khơi thông để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là khi thị trường trong nước đang có những dấu hiệu tích cực hơn như: lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, đầu tư công được đẩy mạnh, những bất cập trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ…

“Về pháp lý, cần tập trung gỡ rối các quy định pháp lý (chồng chéo, mâu thuẫn) một cách nhanh nhất với việc áp dụng quy trình xây dựng pháp luật rút gọn để có thể thông qua sớm nhất. Trường hợp không sửa đổi được luật thì cần có nghị quyết của Quốc hội cho phép sửa đổi tạm thời trong khi chờ sửa luật”, ông Vinh khuyến nghị. Đối với thị trường vốn, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tiền tệ mở rộng, hạ lãi suất để thúc đẩy DN tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, một số giải pháp khác để tăng trợ lực cho DN cũng đang được Chính phủ, các bộ, ngành thúc đẩy như: tìm kiếm thị trường mới, mở rộng không gian cho DN xuất khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… nhằm thúc đẩy DN nắm bắt cơ hội, xu hướng phát triển mới.

Nhiều chuyên gia hy vọng, với hàng loạt động thái mạnh mẽ từ các cơ quan thực thi chính sách cũng như sự linh hoạt, sắc sảo, tài năng của các doanh nhân, DN Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên.

Chuyên đề