Củng cố niềm tin và động lực kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu như trước đây, công ty cho thuê tài chính được đăng ký biển số xe tại các địa phương ngoài hội sở chính, thì nay chỉ được đăng ký tại hội sở chính theo Thông tư số 24/2023/TT-BCA. Nếu trụ sở chính đóng tại Hà Nội và TP.HCM, chi phí đăng ký xe, lệ phí trước bạ cao hơn nhiều so với các địa phương khác gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp (DN). Đây chỉ là một trong những vướng mắc làm tăng chi phí tuân thủ cho DN được đại diện Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chia sẻ.
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 02/NQ-CP. Ảnh: Tường Lâm
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 02/NQ-CP. Ảnh: Tường Lâm

Môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, một trong những quy định ảnh hưởng dai dẳng và nặng nề đến DN thực phẩm là quy định một số thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Gần 7 năm qua, các DN ngành lương thực, thực phẩm đã phải chịu rất nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối, bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm…

“Dù Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị và Chính phủ đã có nghị quyết chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi nội dung trên, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 618 ngày 26/6/2018 sửa đổi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai sửa đổi nghị định này”, bà Chi cho biết.

Trong lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư số 10/2018/TT-BNNPTNT yêu cầu các sản phẩm thuốc thú y phải được chứng nhận và công bố hợp quy theo QCVN 01-187:2018/BNNPTNT. Trong khi đó, sản xuất thuốc thú y đã phải đáp ứng tiêu chuẩn GMP-WTO. Theo nhiều DN trong ngành, điều này tạo thêm gánh nặng kinh phí cho DN, trong khi hiệu quả quản lý không lớn, không giúp được việc kiểm soát chất lượng thuốc thú y và không đúng thông lệ quốc tế.

Theo phản ánh của nhiều DN, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến DN đối mặt với rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Qua rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng đây là một trong những trở ngại lớn làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư kinh doanh. Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát thực tiễn DN.

Khơi dậy động lực kinh doanh từ sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP

Sau năm 2023 khó khăn, 2 tháng đầu năm 2024, số DN rút lui khỏi thị trường (63 nghìn DN) cao hơn nhiều so với DN gia nhập thị trường (41,1 nghìn DN) cho thấy DN đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo phản ánh của nhiều DN, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến DN đối mặt với rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh...

CIEM cho rằng, hơn lúc nào hết, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần phải tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin, tạo động lực kinh doanh cho DN. “Chính phủ đã khôi phục lại chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 nhằm tạo áp lực theo hướng tích cực, đồng thời khơi dậy động lực tinh thần cải cách của các bộ, ngành. Qua đó kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, DN; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, bà Thảo nói.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 02/NQ-CP gồm: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN; hoàn thiện chính sách thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Đại diện cơ quan đầu mối trong việc xây dựng Nghị quyết 02/NQ-CP, tham mưu cho Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh trao đổi, đối thoại với người dân, DN thường xuyên hơn và có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, DN tiếp tục tích cực, chủ động tham gia phản biện chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước để việc cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh đi vào thực chất.

Chuyên đề