Cú huých lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ khi bước vào năm 2022 - năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh việc tập trung vào đầu tư công thì ưu tiên cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết, bởi đây sẽ là 2 động lực tạo ra cú huých lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài việc chú trọng động lực đầu tư công thì việc ưu tiên, chú trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Ảnh minh họa: Internet
Ngoài việc chú trọng động lực đầu tư công thì việc ưu tiên, chú trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Ảnh minh họa: Internet

Cuối tuần trước, một hội nghị về thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 với chủ đề: “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” đã được tổ chức. Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước với trên 500 đại biểu thay vì con số khoảng 300 đại biểu như đăng ký ban đầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Hội nghị chỉ là bước khởi đầu để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai giải pháp thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP một cách hiệu quả, thực chất, làm trợ lực cho DN phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tại thời điểm này, ngoài việc chú trọng động lực đầu tư công thì việc ưu tiên, chú trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là giải pháp để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau tác động nặng nề của đại dịch. “Hai động lực này sẽ là điểm tạo ra cú huých lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế”, ông Cung nhận định.

Theo nguyên Lãnh đạo CIEM, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP lúc này ngoài khẳng định Việt Nam tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thì sẽ thúc đẩy phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng. Với DN, nhà đầu tư thì môi trường đầu tư kinh doanh tự do, an toàn, thông thoáng hơn, từ đó mở ra cơ hội cho DN quan trọng hơn nhiều so với những gói hỗ trợ, vì vậy, nếu việc thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP tốt sẽ mang lại niềm tin cho DN.

Ngay cả với việc tiếp cận các gói hỗ trợ DN phục hồi mà Chính phủ đang triển khai, nguyên lãnh đạo CIEM cho rằng cũng phải cải cách cách thức thực hiện thì mới tới được DN. "Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiến hành cách hỗ trợ theo quy trình, quy định, thủ tục thì các DN cũng khó tiếp cận đó vì tốn quá nhiều thời gian, quá nhiều tiền bạc, công sức để nhận hỗ trợ", ông Cung nhận xét.

Theo ông Cung, xét về ý nghĩa kinh tế và chính trị, Nghị quyết số 02/NQ-CP hết sức quan trọng nên việc tổ chức thực hiện còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với việc ban hành Nghị quyết.

Đồng tình với góc nhìn này, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, năm 2022 là năm Việt Nam vừa thoát khỏi khó khăn của dịch và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, do đó Nghị quyết số 02/NQ-CP càng có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. “Ít nhất tại thời điểm này, cộng đồng DN thủy sản cũng đang có 3 - 4 vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động kinh doanh rất cần được tháo gỡ. Mong rằng Nghị quyết số 02/NQ-CP là điểm dựa cho DN thủy sản vượt qua thách thức”, ông Nam kỳ vọng.

Đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh minh họa: Internet

Đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh minh họa: Internet

Nối tiếp nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bằng chứng là ngay sau khi Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, đến nay đã có 24/26 bộ, ngành và 49/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Trong việc xây dựng kế hoạch, các đơn vị này cũng đã thể hiện sự quyết tâm cao.

Tuy nhiên, để Nghị quyết số 02/NQ-CP đi vào cuộc sống, hỗ trợ DN phục hồi, phát triển thì kế hoạch hành động này phải được triển khai bằng những những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ mới mang lại hiệu quả thực chất cho DN và người dân. Thứ trưởng Trần Duy Đồng nhấn mạnh, một bộ, ngành không thể cải thiện môi trường kinh doanh mà cần sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành liên một cách đồng bộ, thực chất.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, để cải cách thực chất thì sẽ gặp những khó khăn nhất định liên quan một số bộ, ngành và địa phương chưa triển khai hay việc ngại đổi mới. Mặc dù vậy, quan điểm của Chính phủ là rất quyết liệt đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người dân và tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với cơ chế giám sát kiểm tra hiệu quả.

Với những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tin tưởng, Việt Nam có thể thu hút và giữ chân được các nhân tài, các nhà đầu tư hàng đầu nước ngoài để phục hồi và phát triển kinh tế một cách vững chắc.

Chuyên đề