Công ty CP Quốc tế Sơn Hà từng đầu tư nhiều dự án bất động sản như: Khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội), Paradise Garden (Đà Lạt, Lâm Đồng)… nhưng không thành công. Ảnh: Song Lê |
Vẫy vùng trong cơn khủng hoảng bất động sản 2011
Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (SHI) vốn được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành với lĩnh vực cốt lõi gồm sản phẩm dân dụng và công nghiệp, nước sạch, năng lượng tái tạo… Năm 2010, nhận thấy BĐS như “miếng mồi béo bở”, Sơn Hà chính thức nhảy vào với hai dự án đình đám thời điểm đó là Dự án Khu đô thị Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.600 tỷ đồng, Sơn Hà góp 30%; Dự án Paradise Garden, Đà Lạt, Lâm Đồng, với tổng vốn đầu tư 434 tỷ đồng, Sơn Hà góp 25%. Tại Dự án Cao ốc Văn phòng Sông Hồng, Sơn Hà góp vốn 45%… Không lâu sau đó, Sơn Hà tiếp tục nhận được quyết định đầu tư Dự án Nhà ở thương mại tại khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, Từ Liêm, Hà Nội.
Sau đó một năm, BĐS bước vào giai đoạn khủng hoảng mà khởi đầu là việc giảm cho vay đối với bất động sản. Trong khi vốn BĐS chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng, cả thị trường giai đoạn 2011 - 2013 ảm đạm, suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải bán tháo dự án, bị ngân hàng siết nợ, hàng loạt vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng của các đại gia BĐS diễn ra.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà - ông Lê Vĩnh Sơn khi đó đã ráo riết thông báo với cổ đông rằng Công ty sẽ thoái toàn bộ vốn tại các dự án BĐS để tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, giảm áp lực tài chính và rủi ro cho Công ty. Ngoài ra, do không có vốn đầu tư, Sơn Hà phải dừng Dự án tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới đây đã ra quyết định thu hồi dự án này sau hàng chục năm bị bỏ hoang.
Trong giai đoạn này, lợi nhuận của Sơn Hà sụt giảm chưa từng có, từ 69 tỷ đồng năm 2010 rớt xuống còn 13 tỷ năm 2011, vì dù doanh thu tăng mạnh song ghi nhận thêm khoản lỗ lớn ở các công ty liên kết. Đây cũng là giai đoạn dòng tiền kinh doanh âm liên tục chủ yếu do chi phí trả lãi vay trong các năm 2010 - 2011 tăng cao.
Trong một sự kiện vào năm 2018, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, từ nhiều năm trước đó, ông đã hứa với cổ đông sẽ không đầu tư vào BĐS trong vòng 5 năm nữa. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 năm, chính ông Sơn tuyên bố Công ty sẽ nhảy vào BĐS, nhưng là BĐS công nghiệp.
Đi theo vết xe đổ?
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra cuối tháng 6/2020 tại Hà Nội, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, bên cạnh các sản phẩm truyền thống cốt lõi, doanh nghiệp chuyển hướng sang đầu tư một số ngành mới, trong đó có hạ tầng công nghiệp, BĐS. Đây cũng là thời điểm Sơn Hà nhận “trát” thu hồi Dự án tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, do đó, càng khiến cổ đông nghi ngờ về năng lực của Sơn Hà trong mảng BĐS. Liệu Sơn Hà có đi theo vết xe đổ lần thứ nhất?
Để ý kỹ sẽ thấy, hai lần nhảy vào làm BĐS của Sơn Hà đều rơi vào thời điểm được xem là khủng hoảng BĐS. Khi nói đến sự chững lại của thị trường BĐS “năm Covid 2020”, giới đầu tư liên tưởng ngay đến bóng ma khủng hoảng năm 2011.
Điểm sáng duy nhất cho Sơn Hà là BĐS công nghiệp được kỳ vọng đón sóng FDI dịch chuyển. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của thị trường vẫn chỉ dừng lại ở tâm lý đầu cơ, những chỉ số phản ánh vốn FDI vào Việt Nam chưa thực sự khởi sắc.
Mọi nghi ngờ Sơn Hà sẽ đi theo vết xe đổ năm 2010 cũng có lý do khi so sánh với kịch bản năm 2011 - 2013, thị trường BĐS giai đoạn hiện tại đang lặp lại nhân tố tác động là nguồn vốn tín dụng bị siết. Đầu năm 2020, NHNN đã ra thông tư về việc siết tín dụng BĐS. Trái phiếu BĐS cũng bị siết chặt từ ngày 1/9/2020.
Trong khi đó, Sơn Hà còn gặp áp lực cạnh tranh với đối thủ khi hàng loạt “ông lớn” có kinh nghiệm, năng lực tài chính dồi dào nhảy vào BĐS công nghiệp như Vingroup, Tập đoàn Hoà Phát, Viglacera….
Về bức tranh tài chính của Sơn Hà, tổng nguồn vốn tính đến cuối tháng 6/2020 là 4.113 tỷ đồng, trong đó, vốn vay chiếm đến gần 3.000 tỷ đồng, còn hơn 1.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, nợ ngắn hạn chiếm đến 2.720 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn; nợ dài hạn 191 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ thuê tài chính dài hạn. Nguồn vốn kinh doanh của Sơn Hà chủ yếu là vốn đi vay ngân hàng.
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ có tăng nhẹ, đạt mức 2.366 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng theo cùng với chi phí tài chính mà chủ yếu là lãi vay tăng mạnh, chi phí bán hàng tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu thập doanh nghiệp giảm 4% còn 24,6 tỷ đồng.
Hai lần nhảy vào làm BĐS của Sơn Hà đều rơi vào thời điểm được xem là khủng hoảng BĐS. Khi nói đến sự chững lại của thị trường BĐS “năm Covid 2020”, giới đầu tư liên tưởng ngay đến bóng ma khủng hoảng năm 2011.