Có nên giảm thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ý kiến không đồng tình với đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 cho tất cả các doanh nghiệp. Bởi lẽ, giảm thuế cho các doanh nghiệp không chịu tác động hoặc đang hưởng lợi từ dịch Covid-19 sẽ làm giảm nguồn thu chính đáng và thiết thực của ngân sách nhà nước.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp du lịch không có lãi, nên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 hầu như không có tác dụng. Ảnh: Mạnh Hà
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp du lịch không có lãi, nên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 hầu như không có tác dụng. Ảnh: Mạnh Hà

Thông qua cuộc khảo sát tác động từ sự bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đối với doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nêu một số kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội với Thủ tướng, trong đó đáng chú ý là kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp trong năm 2020.

Theo Ban IV, trong thực tế, mọi doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực của Covid-19, không phân theo quy mô doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đóng cửa tức thì bởi dịch bệnh nhưng doanh nghiệp lớn trong nỗ lực duy trì hệ thống đã chịu thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực hơn tới nền kinh tế, nếu không kịp thời có các chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Đề xuất này của Ban IV thực chất là việc mở rộng đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội.

Trong khi đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi, thậm chí tăng lãi. Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta ghi nhận kết quả kinh doanh quý II của 831 doanh nghiệp cho thấy, có 685 doanh nghiệp báo lãi với 366 doanh nghiệp tăng lãi và 319 doanh nghiệp giảm lãi; 146 doanh nghiệp báo lỗ.

Về nhóm ngành doanh nghiệp, Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8 vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng hợp từ kết quả kinh doanh quý II của hơn 550 doanh nghiệp đại diện cho 91% vốn hóa của 2 sàn chứng khoán niêm yết là HoSE và HNX cho thấy, có một số nhóm ngành chịu tác động mạnh như du lịch - giải trí, hàng không. Trong khi đó, các nhóm ngành gồm truyền thông, ô tô và phụ tùng, tài nguyên cơ bản và công nghệ thông tin là các nhóm ngành có kết quả kinh doanh khá tích cực, dù đa phần bị chi phối bởi một vài cái tên lớn.

Về đề xuất giảm 30% thuế TNDN năm 2020 cho tất cả các doanh nghiệp, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế bình luận: “Thực tế, có doanh nghiệp lớn, có quy mô doanh thu hơn 200 tỷ đồng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 nên họ đòi hỏi được công bằng cũng là chính đáng. Tuy nhiên, giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp là chưa thỏa đáng. Bởi vì, có nhiều doanh nghiệp vẫn đang làm ăn tốt trong giai đoạn hiện nay, giảm thuế cho họ thì ngân sách nhà nước mất khoản thu hợp lý và thiết thực trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đang rất khó khăn. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, thu không đủ bù chi thì làm sao có lãi để mà giảm thuế. Do đó, tốt hơn hết là phân rõ theo lĩnh vực chịu tác động và tiếp tục giảm các loại chi phí sản xuất kinh doanh”.

Cùng quan điểm, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 3406/BVHTTDL-TCDL trình Thủ tướng đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, cơ quan này cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết giảm 30% thuế TNDN năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có lãi, nên giảm thuế TNDN hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp du lịch.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nên xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi vay ngân hàng (chứ không chỉ trả nợ vay), áp dụng đến tháng 12/2021 vì hiện các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi.

Còn theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô - Đại học Kinh tế Quốc dân, các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế TNDN là không hiệu quả và không thực chất bởi chính sách này chỉ giúp cho một số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi, chứ không cứu được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay.

“Nếu các biện pháp cũ chưa triển khai hiệu quả thì không nên thiết kế thêm các biện pháp mới. Bởi việc hỗ trợ không đúng, không trúng sẽ chỉ tạo ra sự lãng phí và phản cảm đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Nếu Chính phủ có nguồn lực, hãy hỗ trợ cho những lao động mất việc, những doanh nghiệp đang khó khăn theo hướng hỗ trợ chi phí chứ không phải là tiếp tục giảm thuế TNDN”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư