Cơ hội tái cơ cấu ngành sản xuất theo hướng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của ngành năng lượng mà còn là quá trình chuyển dịch của cả nền kinh tế từ mô hình thâm dụng năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần so với các nước trong khu vực. Ảnh: Tiên Giang
Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần so với các nước trong khu vực. Ảnh: Tiên Giang

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Cơ sở của quá trình chuyển dịch này là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp…

“Việc triển khai chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong thời gian tới đây sẽ giúp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bản chất chuyển dịch năng lượng là sử dụng năng lượng hiệu quả với việc tiêu thụ năng lượng ít hơn, xanh hơn, sạch hơn, từ đó góp phần giảm phát tán khí thải. Quá trình này không đơn thuần là chuyển từ dạng năng lượng này sang dạng năng lượng khác. “Câu chuyện chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh là hướng tới một nền kinh tế hiệu quả hơn, xanh hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh chính là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu các ngành sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Theo Bộ Công Thương, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong giai đoạn triển khai các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, song tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho đến các hộ gia đình ở nước ta.

Các khảo sát, tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần so với các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Theo Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, thủy sản đông lạnh, hàng tiêu dùng... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải là trên 30%; tiềm năng tiết kiệm năng lượng của khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng rất lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh nhìn từ việc tái cơ cấu ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng ở Việt Nam là rất lớn. Để đẩy mạnh quá trình này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn cung năng lượng và chất lượng các thiết bị sử dụng để giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, thời gian qua, Tổng công ty cũng như nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã từng bước đầu tư hệ thống vận tải theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi là không dễ dàng, bởi chi phí đầu tư chuyển đổi thường rất cao. “Khó khăn hiện nay là cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển dịch này chưa rõ ràng nên doanh nghiệp chưa có động lực chuyển đổi”, ông Trung phản ánh.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế theo hướng xanh, đặc biệt là khuyến khích các dự án sản xuất, sử dụng năng lượng xanh, sạch, công nghệ hiện đại, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Chuyên đề