![]() |
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 68-NQ/TW, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 198-2025/QH15 ngày 17/5/2025 về cơ chế, chính sách đặc biệt kinh tế tư nhân nhằm hỗ trợ và khuyến khích các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi số, phát triển lên DN như hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuê nhà/đất là tài sản công; tiếp cận tài chính, tín dụng và mua sắm công…
Đối với ưu đãi trong đấu thầu mua sắm công, khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 198 nêu rõ: “Gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho DN nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên DN do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, DN ở miền núi, biên giới, hải đảo”. Trước đây, quy mô gói thầu xây lắp mà DN nhỏ và vừa được thụ hưởng ở mức 5 triệu đồng.
Mặc dù đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhà nước và đều có nhận định chung về thời cơ phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng không ít DN vẫn lo lắng về việc làm sao để được thụ hưởng được những cơ chế, chính sách ưu đãi như trên, nhất là DN nhỏ và vừa (SME). Cùng có chung những băn khoăn này và e ngại trước áp lực chuyển đổi lên mô hình DN, thực tế gần đây cho thấy, một số cá nhân/hộ kinh doanh đã sử dụng nhiều chiêu trò để né thuế như chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản… Trước hiện tượng này, Chi cục thuế Khu vực I vừa đưa ra cảnh báo về tính minh bạch trong giao dịch kinh tế. Hành vi này có nguy cơ sẽ bị xử lý truy thu, ấn định thuế, xử phạt hành vi khai sai, trốn thuế hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Deloitte Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá Chương trình CSI 2025, Nghị quyết 68-NQ/TW là một cú hích lớn về thể chế trong phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu đến năm đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55 ‑ 58% GDP. Muốn đạt được mục tiêu này thì thị trường phải hướng tới sự minh bạch. Từ ngày 1/1/2026, cá nhân/hộ kinh doanh phải thực hiện kê khai thuế bằng điện tử có hóa đơn chứng từ rõ ràng, chính thức khai tử lệ phí môn bài, thuế khoán cũng nhằm hướng tới thúc đẩy tính minh bạch hơn của cộng đồng DN tư nhân. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì việc đầu tiên mà DN phải làm là đi từ quản trị kinh doanh minh bạch. Chỉ có như vậy mới thu hút được nguồn lực kinh tế, tạo dựng được niềm tin của công chúng, đối tác, nhà đầu tư và các bên trong chuỗi giá trị.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) được triển khai liên tục trong 10 năm qua có thể xem là thước đo giúp các DN thực hành và đánh giá quản trị kinh doanh minh bạch, củng cố năng lực quản trị công ty, giúp DN xây dựng được nền móng vững chắc để thực hiện thành công các chiến lược phát triển bền vững (PTBV), từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu, phát triển dài hạn.
Không những vậy, những DN được tôn vinh từ Chương trình Đánh giá, Công bố DN Bền vững tại Việt Nam năm 2025 (Chương trình CSI 2025) sẽ có nhiều cơ hội để được hưởng các chính sách ưu đãi đã được cụ thể hoá trong các kế hoạch hành động của Chính phủ (Nghị quyết 138, Nghị quyết 139) để thực hiện, Nghị quyết số 198-2025/QH15. Trong đó, các nghị quyết đã nhấn mạnh tới công tác xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt kinh tế tư nhân nhằm hỗ trợ và khuyến khích các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi số, phát triển lên DN.
Phát huy tinh thần này, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng DN vì sự PTBV (SD4B-VCCI), Trưởng Ban Thư ký Chương trình cho biết, Chương trình và bộ chỉ số CSI 2025 đã có những điều chỉnh, đổi mới thiết thực theo hướng gia tăng tỷ trọng chỉ số nâng cao, giảm bớt chỉ số cơ bản, đồng thời nâng tổng số điểm thưởng cho các sáng kiến trong cơ cấu điểm của chương trình lên 10% số điểm tuyệt đối cho phép. Bộ chỉ số đã được tinh giản từ 153 chỉ số (CSI 2024) xuống còn 145 chỉ số, trong đó có 85 chỉ số cơ bản (C) mang tính tuân thủ - chiếm 59%, và 58 chỉ số nâng cao (A) mang tính sáng kiến thực tiễn - tương đương 41%. Yếu tố công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được đưa vào Chương trình để làm mới cách thức triển khai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.
“Việc tinh chỉnh Bộ chỉ số CSI nhằm khuyến khích DN đi từ việc “tuân thủ” lên “đổi mới sáng tạo” trong thực hành kinh doanh bền vững thông qua các sáng kiến mới, từ đó giúp DN xây dựng lợi thế cạnh tranh tốt hơn, “gặt hái” được những giá trị gia tăng lớn hơn từ thực hiện PTBV, và thích ứng tốt hơn với bối cảnh nhiều biến động hiện nay”, ông Huy nói.
Một trong những điểm mới của Chương trình CSI năm nay là bổ sung phiên bản Bộ chỉ số CSI dành riêng cho các DN nhỏ và siêu nhỏ với 87 chỉ số. Phần lớn trong đó là các chỉ số tuân thủ (chiếm 84%), chỉ có 14 chỉ số nâng cao (chiếm 16%). Theo ông Huy, mặc dù DN nhỏ và vừa chiếm số lượng đông đảo, nhưng việc quản trị minh bạch đang là bài toán hóc búa. Việc bổ sung tiêu chí đánh giá dành riêng cho đối tượng này sẽ giúp các DN nhận diện rõ hơn, từ đó từng bước thực hiện PTBV thông qua đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhìn rộng hơn, việc PTBV là một quá trình lâu dài. Mặc dù 9 năm liên tiếp được biểu dương trong Chương trình CSI, nhưng theo bà Đào Thúy Hà, Thành viên HĐQT - Phó Tổng giám đốc, Traphaco vẫn tiếp tục tham gia CSI 2025. Traphaco đã tiếp cận và chính thức áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) như một công cụ tự đánh giá, rà soát hệ thống quản trị.
“Bộ chỉ số CSI không chỉ đơn thuần là bộ tiêu chí chấm điểm, mà là một “tấm gương phản chiếu” giúp chúng tôi nhìn nhận toàn diện hiệu quả của hoạt động kinh doanh từ nhiều góc độ - tài chính, nhân sự, môi trường, chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo. Việc áp dụng CSI giúp Traphaco nâng cao khả năng tự hoàn thiện, xác định rõ các điểm mạnh và điểm cần cải tiến. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ duy trì được các chứng nhận, mà còn sử dụng dữ liệu từ quá trình đánh giá để điều chỉnh chiến lược, nâng cao hiệu suất nội bộ, và gia tăng giá trị cho các bên liên quan”, đại diện Traphaco chia sẻ.