Cơ hội mới từ đường đua xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi xanh, kinh tế xanh không còn là chuyện nhận thức, mà là cuộc đua đang diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Đường đua xanh đầy thách thức nhưng được coi là động lực tăng trưởng mới, tạo ra không gian phát triển mới nếu Việt Nam bứt tốc, tận dụng được cơ hội từ xu hướng phát triển của thế giới.
Hơn 10 năm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã góp phần giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Ảnh: Tiên Giang
Hơn 10 năm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã góp phần giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Ảnh: Tiên Giang

Động lực mới, không gian phát triển mới

Nhận định về những xu hướng kinh tế 2024 và trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, một trong những xu hướng là các nước sẽ gia tăng hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, gắn với các sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy hiện thực hóa cam kết tại COP26, đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đặc biệt là về lao động, môi trường… sẽ được lồng ghép nhiều hơn vào các sáng kiến, thỏa ước hợp tác quốc tế. Lĩnh vực năng lượng tái tạo được quan tâm hơn. Các nước cũng sẽ gia tăng hợp tác nhằm thúc đẩy tương tác giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh… Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tiêu dùng xanh tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ…, từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến, trong ngắn hạn, áp lực đặt lên vai nhà xuất khẩu là phải sử dụng năng lượng sạch, trước mắt là một yêu cầu quan trọng ở các thị trường của các nền kinh tế tiên tiến nhưng cũng sẽ xuất hiện ở các thị trường khác.

Tại một tọa đàm về các mô hình kinh tế mới diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung nhận định, những biến động lớn của thế giới cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Trong đó, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang thể hiện vai trò tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trên thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung dẫn chứng về những tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới như tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm. Trong khi đó, tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.

Bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte dẫn ra một nghiên cứu của Deloitte đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Nếu không làm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu carbon… thì đến năm 2070 khu vực này mất đi 96 nghìn tỷ USD, nếu làm thì thu lợi 45 nghìn tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, nếu không làm kinh tế xanh, giảm thiểu carbon thì mất 28 nghìn tỷ USD, nếu làm thì thu được 12,5 nghìn tỷ USD.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là một trong những động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam cần đẩy mạnh để có thể đạt được các mục tiêu phát triển. Tăng trưởng xanh không chỉ là cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn là những lợi ích thiết thực đối với kinh tế và đời sống người dân như nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, tài nguyên khoáng sản, môi trường tự nhiên được bảo vệ, gìn giữ; giảm thiểu thiệt hại và rủi ro tài khóa mà thiên tai gây ra; xanh hóa sản xuất, thương mại và tiêu dùng giúp hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận được các thị trường trọng điểm khi các thị trường này áp dụng thuế xanh và nhiều điều kiện về môi trường, an toàn thực phẩm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã xác định mục tiêu đưa quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 (khoảng 1,95% GDP) lên 300 tỷ USD vào năm 2050 (khoảng 10% GDP). Tức là, mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021 - 2050.

Từ cam kết mạnh mẽ đến hành động hiệu quả

Ngay từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (được cập nhật, bổ sung bằng Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050). Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 10 năm thực hiện mục tiêu kinh tế xanh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đã góp phần giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường, tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/năm.

Việc Việt Nam nhận thức rõ về tăng trưởng xanh, cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ tại COP26..., theo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, đã và đang tạo ra sức hấp dẫn mới, lợi thế thu hút đầu tư đối với Việt Nam.

Ở thời điểm hiện nay, cơ hội cho Việt Nam rất rõ ràng. Nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng cơ hội, có đột phá, cần thêm nhiều hành động cụ thể, hiệu quả hơn.

Theo ông Cấn Văn Lực, cần sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “zero - carbon” đến năm 2050. Trong đó, cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế động lực và chế tài cụ thể nhằm thúc đẩy xanh hóa, tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chung tay xanh hóa, chống biến đổi khí hậu...

Ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam lưu ý, 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều chưa tích hợp định hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng 3 động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được. Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.

Để giải bài toán này, ông Thành khuyến nghị, cần hoạch định chính sách để biến chuyển đổi xanh trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế trong trung hạn với việc ban hành các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, bớt thâm dụng năng lượng, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Chính sách cần hướng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái để chính doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng thu được lợi ích từ việc tham gia một cách chủ động vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới.

Việc triển khai các mô hình kinh tế mới cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng DN đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các DN lớn, DN khởi nghiệp thành công. Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, việc thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế mới được xem là yếu tố then chốt hướng tới một thế giới thịnh vượng, bền vững, xanh hơn, sạch hơn; cũng là yếu tố tiên quyết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyên đề