Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, FPT, CMC đã đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu. Ảnh: Lê Tiên |
Một thế giới mới đang mở ra
“Thế giới đang bước vào một giai đoạn lịch sử chưa từng có”, ông Trương Gia Bình mở đầu bài phát biểu và nhận định, chưa bao giờ thế giới lại trở nên bất ổn, khó đoán lường, chưa bao giờ rất nhiều dây chuyền bị đứt gãy như hiện nay và sau tất cả, một thế giới mới đang dần hiện lên trước mắt chúng ta.
Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, ai cũng phải nghĩ mình sẽ ứng xử với tương lai như thế nào? Có thể chúng ta sẽ ứng xử với tương lai với tư cách của một người lao động mà 75% công việc đang làm tại Việt Nam sẽ biến mất vào năm 2030. Nếu suy nghĩ với tư cách của một tổ chức, một doanh nghiệp, làm thế nào để có sức chống đỡ, tiếp tục phát triển, làm thế nào để sống sót qua bão tố địa chính trị? Chủ tịch FPT nêu câu hỏi và nhận định, trong bối cảnh đó, rất may mắn là chúng ta đang chứng kiến những cơ hội chưa từng có đến với Việt Nam như một vận hội của đất nước. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch NVIDIA chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai vào thời điểm này. Đó là bởi Việt Nam đang trở thành bến đỗ an toàn nhất trong bão táp địa chính trị thế giới. Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia trên toàn cầu, là nơi an toàn và có mọi cơ hội để các ý tưởng sáng tạo phát triển. “Cơ hội đã đến và vấn đề là chúng ta có nắm bắt hay không”, ông Bình nói.
Là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, NVIDIA được thị trường tài chính định giá 3.500 tỷ USD, vượt qua mức định giá của Apple, trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Sau thông điệp chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai, NVIDIA đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Câu chuyện của NVIDIA hôm nay khiến nhiều người băn khoăn, tại sao trong quá khứ, Microsoft, IBM không chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai? Chủ tịch FPT lý giải, đó là vì vào thời kỳ hoàng kim của Microsoft, IBM, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ công nghệ. Nhưng ngày hôm nay đã khác. Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, không riêng NVIDIA mà nhiều tập đoàn, công ty lớn sẽ đến Việt Nam, chọn Việt Nam, bởi họ nhìn thấy gương mặt công nghệ là người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Hiếm quốc gia nào có lực lượng đông đảo nhân sự làm được nhiều mảng việc, từ AI, blockchain, fintech, edutech… như Việt Nam. “Với lực lượng lao động công nghệ mà nhiều quốc gia mơ ước, người Việt Nam, lực lượng công nghệ Việt Nam có thể làm được tất cả”, ông khẳng định.
Trên bình diện quốc gia, để nhân lên giá trị Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP, đồng thời xác định, làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Liên quan đến doanh nghiệp, Nghị quyết nêu rõ, có chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại Việt Nam. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược trong nước quy mô lớn để phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế…
Tháng 9/2024, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng ban hành. Chiến lược xác định phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2024 - 2030 có mục tiêu doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%.
Cũng trong tháng 9/2024, Chính phủ phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", xác định Việt Nam sẽ đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đến năm 2030 có ít nhất 50.000 người có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu… Những quyết sách trên, theo giáo sư Hà Tôn Vinh, đã vạch một hướng đi rất mới cho đất nước để đón bắt cơ hội và phát triển cùng thời cuộc. Một con đường mới đang mở ra...
Để phát triển và phát triển không giới hạn
Khích lệ các doanh nghiệp trẻ, lãnh đạo FPT nói về cách mà Tập đoàn chọn để lớn lên. Đó là làm outsourcing (dịch vụ thuê ngoài) cho các hãng trên thế giới. Đến nay, Tập đoàn đã gia nhập thị trường sản xuất chip, đã có dịch vụ tư vấn, dịch vụ ERP (quản trị nguồn nhân lực), có nhiều nghiệp vụ theo ngành nghề và có nhiều hợp đồng trọn gói giá trị lên đến 100 triệu USD, 150 triệu USD… Năm 2023, FPT cán đích 1 tỷ USD doanh số xuất khẩu phần mềm và đang hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD trong vài năm tới.
Quá trình làm outsourcing là quá trình tích lũy dần về công nghệ, về nghiệp vụ, về chuyên gia, khi tích lũy đủ thì tiến lên làm hợp đồng trọn gói, làm phần mềm theo nghiệp vụ ngành, làm dịch vụ tư vấn cao cấp, làm sản phẩm… Chính bằng con đường này, Tata TCS, Infosys, HCL và Wipro của Ấn Độ đã trở thành các công ty dịch vụ phần mềm hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau hai "gã khổng lồ" Microsoft và Oracle, còn lại không thua kém bất cứ hãng phần mềm nào của Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.
Hơn ai hết, chúng ta khơi dậy lòng yêu nước của một quốc gia dân số trẻ, đam mê công nghệ đóng góp giá trị cho đất nước, nhưng muốn làm được, chúng ta cần xây dựng thị trường tài sản số. Chỉ khi tài sản số được công nhận, được tự do định đoạt giá trị, mua bán, trao đổi mới cuốn hút được các nguồn lực lớn tham gia đầu tư. Cơ hội về tài sản số lần này nếu bỏ lỡ thì không biết bao giờ chúng ta có cơ hội lần nữa...
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng
Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ chọn 1 từ biểu trưng cho việc đáng làm nhất, ông Trương Gia Bình cho biết, ông sẽ chọn từ “dữ liệu”. AI, blockchain, fintech, edutech… tất cả đều xoay quanh dữ liệu. Dữ liệu là vấn đề sống còn không chỉ ở Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập trên cơ sở quốc gia nào nắm và quản lý dữ liệu tốt hơn các quốc gia khác. Đây là một thách thức vô cùng lớn với Việt Nam. Những tập đoàn công nghệ lớn nhất đã nhận ra và chọn đầu tư vào dữ liệu. Năm 2025, Viettel sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu lớn ở Củ Chi, TP.HCM với giá trị đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, dự kiến trở thành điểm trung chuyển dữ liệu thu hút các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam như Microsoft, Google và Amazon..., điểm kết nối băng thông rộng từ TP.HCM đến các điểm trên thế giới. FPT đang đầu tư lớn xây trung tâm dữ liệu tại TP.HCM, bên cạnh 3 trung tâm dữ liệu lớn đang vận hành. Tập đoàn công nghệ CMC lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào các trung tâm dữ liệu, nâng dung lượng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam lên gấp 10 lần và dành ngân sách tới 100 triệu USD để mở rộng sự hiện diện tại thị trường Nhật Bản…
Theo Research and Markets, Việt Nam nằm trong 10 nước mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu do sở hữu những lợi thế như quỹ đất, khoảng trống thị trường, nhu cầu nội địa và các hành động của Chính phủ… Nếu có các cơ chế, chính sách cụ thể, đột phá, Việt Nam sẽ xoay chuyển, thu hút thêm nhiều nguồn lực để nâng tầm nền kinh tế số như các mục tiêu đặt ra.
Liên quan đến nguồn lực tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy sáng tạo công nghệ, Việt Nam cần có khung khổ pháp lý để những người đang đầu tư vào tài sản công nghệ được pháp luật thừa nhận, được công khai đóng thuế, vì chỉ khi công khai đóng thuế, những tài sản đó mới là tài sản hợp pháp, tài sản sạch ở bất cứ quốc gia nào. “Chúng ta cần có 1 khung pháp lý để những nhà phát triển, nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch, không ai lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò trên thị trường”, ông Hưng nói.
Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới, đó là điểm rất thuận lợi. Nhưng theo ông Hưng, doanh nghiệp trong nước chỉ có thể hợp tác quốc tế khi đối tác hiểu rằng, họ có thể đóng góp gì, có thể kiếm lợi gì trên thị trường Việt Nam. “Hơn ai hết, chúng ta khơi dậy lòng yêu nước của một quốc gia dân số trẻ, đam mê với công nghệ đóng góp giá trị cho đất nước, nhưng muốn làm được, chúng ta cần xây dựng thị trường tài sản số. Vì khi tài sản được công nhận, được tự do định đoạt giá trị, mua bán, trao đổi, mới cuốn hút được các nguồn lực lớn tham gia vào cuộc cách mạng này”, ông Hưng nói. Ông mong muốn Chính phủ sớm kiến tạo thị trường tài sản số vì “cơ hội về tài sản số lần này nếu bỏ lỡ thì không biết bao giờ chúng ta có cơ hội lần nữa”, ông Hưng nói.
Chủ tịch SSI đặt niềm tin khi có khung khổ pháp lý đầy đủ, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài sản số của khu vực, loại tài sản mà bất cứ nhà đầu tư hay tổ chức tài chính quốc tế nào, kể cả những người trước đây 5 năm không quan tâm, nhưng nay đã thành yếu tố không thể thiếu trong hệ thống tài chính.
Công nghệ và tài sản số được coi là 2 từ khóa của thời cuộc. Những quốc gia tiên phong đã xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu. “Chúng ta không có nhiều lựa chọn. Một là tiếp tục để tự phát và để con em chúng ta ra nước ngoài làm những việc này. Hai là quản lý để giữ về mình, thu thuế và để cho con em chúng ta có đất để phát triển ngay tại Việt Nam. Đó là điều chúng tôi muốn chia sẻ và mong được góp sức xây dựng thị trường tài sản số tại Việt Nam”, ông Hưng nói.