Chuyển hướng kinh tế xanh: Doanh nghiệp lúng túng do thiếu hướng dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… hiện đều đưa ra những tiêu chuẩn cao về sản phẩm xanh. Nhiều đạo luật của EU và Mỹ dự kiến áp dụng cho các ngành sản xuất, trong đó có ngành dệt may, yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thiết kế sinh thái…, nhưng DN Việt Nam đang rất lúng túng trong chuyển động theo xu thế xanh do thiếu hướng dẫn từ các đơn vị liên quan.
Nhiều đạo luật của Mỹ, EU dự kiến áp dụng cho các ngành sản xuất, trong đó có ngành dệt may, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thiết kế sinh thái… Ảnh: Tiên Giang
Nhiều đạo luật của Mỹ, EU dự kiến áp dụng cho các ngành sản xuất, trong đó có ngành dệt may, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thiết kế sinh thái… Ảnh: Tiên Giang

Doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, 1.912 cơ sở thuộc 21 ngành phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023 và tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025. Các cơ sở có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần DN thực hiện sớm, không chỉ để đáp ứng yêu cầu trong nước mà nhiều chính sách liên quan từ các thị trường xuất khẩu chính được áp dụng từ năm 2023 và các năm sau đòi hỏi DN phải chứng minh nỗ lực giảm phát thải. Tuy nhiên, các hiệp hội, DN còn rất lúng túng trong thực thi do thiếu hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Xi măng Tân Quang cho biết, Xi măng Tân Quang nằm trong Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Tương tự, với DN năng lượng, đại diện Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả cho hay, hiện DN chưa có nhiều thông tin để triển khai thực hiện.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2023 vừa qua, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài với việc thu hút các dự án FDI xanh và có chất lượng cao hơn. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách những năm qua được tích cực triển khai theo định hướng này.

Song ông Phạm Tấn Công cho rằng, việc hiện thực hóa các định hướng chính sách quốc gia và các cam kết quốc tế hướng tới đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là thách thức không nhỏ với cộng đồng DN. Lý do là mức độ hiểu biết quy định môi trường của DN Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Khảo sát DN của VCCI cho thấy, mức độ hiểu biết của DN về các quy định môi trường còn thấp, chỉ có 31,8% DN tư nhân trong nước được khảo sát cho biết hiểu rõ các quy định về môi trường. Cùng với đó, chi phí đầu tư cho sản xuất “xanh”, vận hành, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường là không nhỏ, gây trở ngại cho DN…

Cần giúp DN hiểu và thực thi đúng

Để tạo thuận lợi cho DN tuân thủ quy định kiểm kê sử dụng năng lượng và phát thải, bà Thủy cho biết, các hiệp hội, DN đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về phương pháp, cách thức kiểm kê sử dụng năng lượng và phát thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

DN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có chương trình cập nhật liên tục cho DN các thông tin mới tại các thị trường quan trọng của Việt Nam để xác định rõ lộ trình đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải cho từng ngành, lĩnh vực. Song song với đó, các cơ quan chức năng cần sớm làm việc với DN theo từng lĩnh vực để hình thành các hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải theo lĩnh vực, theo mô hình hoạt động.

Không để bị động trong thực thi chính sách, đại diện Công ty CP Xi măng Tân Quang cho hay, DN dự kiến sẽ thuê một đơn vị tư vấn để hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính.

Nhằm góp phần hiện thực hóa các định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững, VCCI kiến nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng DN trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường; tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững cho DN; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh…

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn, tất cả những trợ lực cho DN đều rất quý giá, nhưng cần nhất là hỗ trợ DN thực thi các chính sách mới để không bị mất thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu khi quốc tế đang chuyển động rất nhanh, rất mạnh theo xu thế tăng trưởng xanh.

Chuyên đề