Chuyển đổi số: Kinh doanh linh hoạt, lợi ích đa chiều

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN).
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của năm 2020 được dự
báo ở mức trên 30% và quy mô vượt 15 tỷ USD. Ảnh: St
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của năm 2020 được dự báo ở mức trên 30% và quy mô vượt 15 tỷ USD. Ảnh: St

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn…

Giải pháp hữu hiệu

Theo Bộ Công Thương, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 cho thấy, nhiều DN Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình DN tới DN (B2B) cũng như DN tới người tiêu dùng (B2C).

Quan sát thực tế vừa qua cho thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Tất cả các chỉ số kinh tế đều giảm đáng kể, tuy nhiên, thương mại điện tử lại có sự tăng trưởng cao, thậm chí tăng trưởng đột biến đối với ngành thực phẩm. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc tận dụng thương mại điện tử chính là cơ hội cho DN chống lại tác hại của dịch bệnh cũng như tận dụng được các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA cũng như các FTA mới thời gian tới được dự báo sẽ rất mạnh. Nhiều khả năng tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam năm 2020 cao hơn các năm trước.

Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Đánh giá về cơ hội của Hiệp định EVFTA, các nghiên cứu đều chỉ ra, Hiệp định có hiệu lực sẽ mang lại những lợi ích đối với hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam. Đó là, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đây là cơ hội rất lớn để các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh.

Để nắm bắt được cơ hội từ Hiệp định EVFTA cũng như các FTA khác, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, các DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phải chuyển đổi số toàn diện, triệt để. Thời gian đầu dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện, một số DN chỉ nghĩ đến việc xuất khẩu qua các website của DN, nhưng không hiệu quả. Lý do là để bán được sản phẩm thì DN phải quản lý bằng số từ khâu đầu để nắm được chủng loại, số lượng… sản phẩm một cách chính xác thì mới có cơ hội bán được hàng. Theo hướng này, khi DN chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến, DN cần chuyển đổi số cả quy trình quản lý nội bộ. Đây là điểm quan trọng nhất để DN chuyển đổi số thành công.

Đại diện Tổng công ty May 10 nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Đây vừa là cơ hội, song cũng là áp lực lớn đối với các DN phải khẩn trương hoàn thiện mình để nắm bắt được các cơ hội, trong đó có cơ hội từ Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây.

Một số ý kiến khác cho rằng, DN phải chuẩn bị cho mình các nguồn lực có chất lượng, từ con người tới hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là có chiến lược để đảm bảo quá trình chuyển đổi thành công.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử và kinh tế số, ông Hải cho biết, sắp tới, Cục sẽ ra mắt Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN). Đây là một giải pháp chuyển đối số trên nền tảng thương mại điện tử B2B tích hợp cộng đồng giao thương chuyên ngành xuất nhập khẩu với mục tiêu hỗ trợ kết nối trực tiếp DN xuất khẩu Việt Nam đến nhà nhập khẩu nước ngoài. Đồng thời truyền tải thông tin giao thương, thị trường nhanh chóng từ các Thương vụ Việt Nam ở các nước đến cộng đồng DN Việt Nam. Nền tảng này sẽ hỗ trợ cho các DN “trọn gói” từ quản lý, vận hành, bán hàng trực tuyến để có thể nắm bắt các cơ hội.

Chuyên đề