Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh: Tránh làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là một dự án luật khó, quan trọng, tác động lớn đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, được cử tri rất quan tâm. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là vấn đề xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, làm sao tránh thêm thủ tục hành chính, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật đối với nhà đầu tư, can thiệp quá mức vào quan hệ thị trường.
Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh sẽ là công cụ quản lý, điều tiết quan trọng để Nhà nước thực hiện chính sách nhà ở thông qua việc định hướng mục tiêu phát triển từng loại nhà ở cho từng đối tượng. Ảnh: Lê Tiên
Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh sẽ là công cụ quản lý, điều tiết quan trọng để Nhà nước thực hiện chính sách nhà ở thông qua việc định hướng mục tiêu phát triển từng loại nhà ở cho từng đối tượng. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ý kiến tán thành xây dựng chương trình, kế hoạch nhà ở cấp tỉnh

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đối với nội dung này hiện đang có 2 loại ý kiến. Một là, tán thành với quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, nhưng cần chỉnh lý chặt chẽ một số nội dung để chương trình, kế hoạch này không tạo thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc buộc các nhà đầu tư phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là chưa thực sự phù hợp với sự vận hành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là đối với các dự án phát triển nhà ở bằng nguồn vốn tư nhân; làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở.

Hơn nữa, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có mối quan hệ mật thiết với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Theo pháp luật về quy hoạch, nhà ở là một trong những nội dung của quy hoạch đô thị (tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Quy hoạch đô thị), quy hoạch nông thôn (tại Khoản 1 Điều 30 của Luật Xây dựng). Do đó, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng để tránh làm phát sinh thêm chi phí ngân sách nhà nước, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐBQH tán thành loại ý kiến thứ nhất, đồng thời góp ý vào nhiều nội dung chi tiết.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, quy định chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh như Dự thảo Chính phủ trình sẽ là công cụ quản lý, điều tiết quan trọng của Nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở thông qua việc định hướng mục tiêu phát triển từng loại nhà ở cho từng đối tượng. Qua đó bảo đảm cân đối cung, cầu nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, giúp doanh nghiệp xác định được đúng phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế để lựa chọn hình thức, quy mô đầu tư, hạn chế được việc phát triển tràn lan, dẫn đến có dự án bỏ hoang, lãng phí do không có nhu cầu. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định, sau khi chương trình, kế hoạch được phê duyệt phải thực hiện công bố công khai, rộng rãi. Đồng thời quy định cụ thể các phương thức công khai để mọi cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện, bảo đảm đúng, phù hợp với chương trình được phê duyệt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) góp ý, kế hoạch phát triển nhà ở phải nâng lên là 5 năm chứ không phải hằng năm như trước đây. Bởi lẽ, một dự án đầu tư nhà ở phải có một chu kỳ của nó từ 3 - 5 năm, nếu hàng năm ban hành thì không thể có sự thay đổi cho phù hợp. Hơn nữa, kế hoạch phát triển 5 năm cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này tránh được tình trạng có thể quy hoạch nhưng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa triển khai thì nhà ở xây lên nhưng sẽ không có hoạt động để sử dụng. “Điều này thấy khá điển hình ở nhiều khu vực hiện nay, đặc biệt là các khu du lịch, nhiều nhà ở xây dựng xong nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội chưa triển khai cho nên vẫn bỏ không”, ông Cường nói.

Một số nội dung quản lý của chương trình phát triển nhà ở quá cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Một số nội dung quản lý của chương trình phát triển nhà ở quá cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Tránh can thiệp quá mức vào thị trường, thêm thủ tục hành chính

Đồng tình với việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, song đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị bỏ việc quy định UBND cấp tỉnh phải gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Theo ông Thắng, quy định này sẽ làm phát sinh các thủ tục hành chính cho địa phương. Nhiều đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định này để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, giảm bớt chi phí, thời gian, không làm tăng khối lượng công việc của các cơ quan trung ương.

Thẩm tra Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật lưu ý Dự thảo cần chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung. Ví dụ Dự thảo quy định một số nội dung của chương trình phát triển nhà ở như: dự kiến tổng nhu cầu diện tích sàn xây dựng nhà ở tăng thêm..., phân định nhu cầu về diện tích nhà ở của từng nhóm đối tượng...; định hướng chỉ tiêu phát triển nhà ở trong kỳ chương trình...; diện tích sàn nhà ở tối thiểu; dự kiến diện tích sàn xây dựng nhà ở sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong kỳ chương trình... Theo Ủy ban Pháp luật, đây là các nội dung quản lý quá cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản, nếu bị lạm dụng có thể trở thành “quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, được sản xuất, tiêu thụ” đã bị cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật Quy hoạch.

Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng để tránh làm phát sinh thêm chi phí ngân sách nhà nước, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần rà soát lại nội dung của kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy hoạch tỉnh đang được quy định tại Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không phải là quy định mới mà được kế thừa từ Luật Nhà ở năm 2005, Luật Nhà ở năm 2014 và nay tiếp tục được quy định theo hướng bố cục lại thành một chương riêng. Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là công cụ cần thiết, có tính thực thi cao để các địa phương có cơ sở định hướng trong việc phát triển từng loại nhà ở cho từng đối tượng, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, góp phần khắc phục tình trạng phát triển nhà ở lệch pha cung, cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, quy định này không chồng chéo, trùng lắp với các quy hoạch khác, vì các nội dung được quy định trong kế hoạch phát triển nhà ở như diện tích đất phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ là các nội dung không được quy định chi tiết trong hệ thống quy hoạch, kế hoạch theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Các chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển nhà ở được xác định theo vị trí các khu vực dự kiến phát triển mới và tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trên địa bàn trong kỳ kế hoạch khác với chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giao đất được lập theo thời kỳ quy hoạch, kế hoạch. “Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm quy định rõ hơn, tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng, phân cấp, tạo tính chủ động cho địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Chuyên đề