Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị phục vụ chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 28/7/2021, đã có 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có ca nhiễm Covid-19. Do đó, cần phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó và phương án mua sắm dự phòng trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu, để tránh bị động, lúng túng, mất kiểm soát khi dịch bất ngờ bùng phát.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, các đơn vị và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) của 91 gói thầu. Đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm tập trung và điều phối trang thiết bị, nhu yếu phẩm phòng chống dịch cho cả Tỉnh là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng tự tổ chức LCNT một số gói thầu riêng để đáp ứng nhu cầu cấp bách.

Tính riêng từ ngày 27/4/2021 (thời điểm xác định đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4) đến ngày 27/7/2021, CDC Bắc Giang đã phê duyệt 16 kế hoạch LCNT với tổng mức đầu tư là gần 300 tỷ đồng và hoàn thành LCNT 82 gói thầu. Hình thức LCNT được áp dụng phổ biến trong đợt 4 là chỉ định thầu (78 gói thầu); còn lại là chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi.

Từ đầu năm đến nay, 118 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế trên địa bàn TP.HCM đã được công bố kết quả LCNT. Trong đó, CDC TP.HCM mời thầu 22 gói thầu, còn lại do các cơ sở y tế là bệnh viện quận/huyện và các đơn vị khác mời thầu. Về hình thức LCNT, chỉ định thầu chiếm 100 gói thầu, còn lại là chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi, mua sắm trực tiếp…

Riêng đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã tổ chức LCNT 108 gói thầu. Trong đó, CDC TP.HCM phê duyệt 26 kế hoạch LCNT với tổng mức đầu tư hơn 531 tỷ đồng. Mặc dù vậy, số lượng vật tư, thiết bị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do dịch bùng phát nhanh và mạnh.

Về kinh nghiệm triển khai, CDC tỉnh Bắc Giang chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, trước tiên, các địa phương nên xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khi có dịch xảy ra cho khoảng 50 ca, 100 ca…, tùy tình hình cụ thể từng nơi. Về phương án chuẩn bị, dự trữ, đầu tiên là sinh phẩm, phương tiện phòng hộ, hóa chất khử khuẩn, vật tư, hoá chất, trang thiết bị tương ứng. Đặc biệt, nên chuẩn bị phương án về cơ chế mua sắm thích hợp trong tình hình dịch, giảm thời gian thực hiện khi có dịch bùng phát, kịp thời đưa ra phương án nhanh, chính xác theo từng thời điểm và tình hình cụ thể. Hiện nay, Bắc Giang cơ bản kiểm soát được dịch, đã và đang cử cán bộ đi hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An và tiếp đến là An Giang, Bình Dương…

Theo PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các địa phương cần khẩn trương bổ sung máy oxy dòng cao, monitoring theo dõi, thuốc men trong danh mục điều trị Covid-19... cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa, chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Khẩn trương hình thành các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch (chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO…) với số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính.

Về quy trình mua sắm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về Danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực điều trị người bệnh Covid-19 tương ứng với mức độ không triệu chứng - nhẹ, trung bình và nặng - nguy kịch.

Chuyên đề